Từ 18 giờ ngày 15-3, toàn bộ loại hình giải trí: rạp phim, sân khấu, vũ trường, bar, karaoke… tại TP.HCM và một số tỉnh/thành như Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế… đều đóng cửa. Theo quyết định của UBND TP.HCM thì việc tạm ngưng các loại hình giải trí sẽ kéo dài đến ngày 31-3 và tùy tình hình dịch bệnh mà điều chỉnh thêm.
Phim lỗ khi hủy chiếu
Sau khi TP.HCM có văn bản, hệ thống rạp phim CGV, Galaxy, BHD, Lotte… đều đã thông báo hoàn trả tiền vé cho những khán giả đã mua vé trực tuyến các suất chiếu sau 18 giờ ngày 15-3. Riêng hệ thống rạp CGV đã đóng 24 cụm rạp trên địa bàn TP.HCM và Quảng Ninh. Trong những phim đang ra rạp, phim Việt duy nhất là Nắng 3: Lời hứa của cha chỉ mới chiếu được một tuần. Hai bộ phim Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử và Trạng Tí lên lịch ra rạp tháng 3 và 4 này cũng đã phải hủy lịch chiếu. Nhà sản xuất phim Nắng 3: Lời hứa của cha, Nhất Trung, chia sẻ: “Huề vốn cho phim khi dừng chiếu vậy là rất khó khăn nhưng tình hình dịch bệnh chúng tôi đành chịu và sẽ chờ đợi sau khi rạp mở cửa lại để tiếp tục”.
Theo lịch công diễn thường niên thì tháng 3 này, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) sẽ bắt đầu mùa diễn năm 2020 nhưng toàn bộ lịch diễn đã ngưng. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, cho biết: “Lịch diễn hủy, các nghệ sĩ quốc tế mời diễn cũng hủy hết nhưng may chúng tôi không phải đền hợp đồng, bởi đó là thiên tai dịch họa. Ngay nghệ sĩ của nhà hát không tập trung tập luyện, tất cả hội họp đều ngưng. Tội nhất trong đại dịch này là các nghệ sĩ tự do, không thuộc biên chế nhà nước, chỉ sống bằng tiền biểu diễn, giảng dạy…”.
Trong khi đó, phòng trà We đưa ra thông báo sẽ tạm ngừng các đêm diễn của phòng trà cho đến hết ngày 16-4 hoặc đến khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, chứ không chỉ dừng đến ngày 31-3 như yêu cầu của UBND TP.HCM.
Cụm rạp Galaxy Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) đóng cửa từ 18 giờ ngày 14-3 theo quyết định của UBND quận 1. Ảnh: QUỲNH TRANG
Giải trí trực tuyến, truyền hình lên ngôi
Các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình đều khẳng định lượng xem các chương trình truyền hình tăng. Đơn vị sản xuất chương trình truyền hình Jet Studio vẫn tổ chức sản xuất các chương trình mới. Nghệ sĩ, êkíp thực hiện khi vào phim trường đều thực hiện điền tờ khai y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang… Nhà sản xuất này cũng đầu tư thêm các loại nước trái cây, cung cấp nước rửa tay cho nghệ sĩ để tăng thêm đề kháng, giải nhiệt mùa nắng nóng, cũng như giữ vệ sinh phòng dịch bệnh.
Thông tin từ nhà mạng đa kênh (Multi Channel Network – MCN) của YouTube tại Việt Nam như POPS, MeTub thì giải trí trực tuyến trên hệ thống của các MCN này đều tăng mạnh từ đầu đại dịch đến nay. Cụ thể như với POPS, lượng xem tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và lượng xem trải đều ngày thường lẫn ngày cuối tuần. Lượng xem livestream của POPS tăng 300% với các nội dung giải trí cho trẻ em, livestream giao lưu nghệ sĩ, tin tức về dịch bệnh. Ngoài giải trí, các chương trình giáo dục, dạy kỹ năng… cho thiếu nhi cũng tăng mạnh.
các dịch vụ giải trí điện ảnh trực tuyến tại nhà như Fim+, FPT Play, Netflix… cũng thu hút người xem với đa dạng thể loại từ phim lẻ, phim bộ đến phim tài liệu, khoa học…
Doanh thu bán sách online tăng kỷ lục
Trong hai tháng đầu năm 2020, tỉ lệ tăng trưởng của ngành sách trên trang thương mại điện tử Tiki tăng gấp 1,5 lần so với cùng thời điểm của năm ngoái. Từ thực tế đó, Tiki đã tung Hội sách online tháng 3 với siêu giảm giá sách 30%-50%, thậm chí có những đầu sách giảm đến 80%.
Hay hệ thống nhà sách Phương Nam, doanh thu bán trực tuyến trong tháng 2 tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 30% so với tháng 1. Tháng 3 này, hệ thống nhà sách Phương Nam cũng tung chương trình khuyến mãi tháng 3 cho bạn đọc mua sách trực tuyến với giảm giá tất cả sách 50% của Phương Nam Book, giảm 30%-50% cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách khác.
Trên hệ thống thương mại điện tử của Fahasa, trong hai tháng đầu năm doanh thu tăng 55%. Hệ thống phát hành sách Alpha Books cũng tăng bán trực tuyến hơn các nhà sách truyền thống.
Hầu hết sách trực tuyến được chọn nhiều nhất trong dịp này là sách thiếu nhi và kiến thức y học. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là nhu cầu giải trí của con trẻ suốt những ngày dịch không thể đến trường, cũng như phụ huynh cần tìm hiểu thêm về cơ thể mình với các sách mới như Hệ miễn dịch – Khám phá cơ chế tự phòng chữa bệnh của cơ thể người, Y học dinh dưỡng – Những điều bác sĩ không nói với bạn, Tâm bệnh học, Giải mã đông y, Cỏ hoa sức khỏe, Bản hợp xướng các loại gia vị, Ngon ngọt vị rau…
Tất cả thay đổi này thể hiện nhu cầu dịch chuyển trong lĩnh vực giải trí từ công cộng sang tại gia sẽ phát triển hơn không chỉ trong mùa dịch mà có thể cả tương lai.
Căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương để tạm đóng rạp phim Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, cho biết: “Chiều 16-3, Cục Điện ảnh đã ký công văn gửi đến các sở Văn hóa và Thể thao các địa phương đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19. cục đề nghị các sở phải cập nhật thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia… về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. cùng đó là đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị phát hành phim, rạp chiếu phim thực hiện chỉ đạo theo quyết định của UBND địa phương căn cứ trên tình hình thực tế dịch bệnh tại địa phương”. |
QUỲNH TRANG
Nguồn https://plo.vn/van-hoa/giai-tri-truc-tuyen-tang-manh-trong-dai-dich-covid19-897656.html