Lâu nay chúng ta vẫn thắc mắc về âm thanh vang lên khi bẻ các ngón tay và không ít lần thắc mắc: Vì sao có âm thanh đó? Và: Làm như vậy có hại gì cho khớp ngón hay không?
Theo kết quả một nghiên cứu được đăng tải ngày 28-3 trên tạp chí Scientific Reports, do các chuyên gia của Đại học Bách khoa TP Palaiseau, tỉnh Essonne, Pháp và Đại học Stanford bang California (Mỹ) thực hiện, âm thanh rốp rốp đó là do những bóng khí được tạo thành trong dịch khớp (chất dùng để bôi trơn ổ khớp) vỡ ra mà có.
Giải mã hiện tượng nhờ công thức toán học
Một cựu sinh viên Bách khoa tên là Vineeth Chandran Suja và thầy hướng dẫn của anh là giáo sư Abdul Barakat đã cùng nhau phát triển một chuỗi phương trình toán học chứng minh hiện tượng này.
Trả lời trên đài BBC, sinh viên Vineeth Chandran Suja giới thiệu công trình toán học như sau: “Phương trình đầu tiên mô tả những biến thiên về áp suất bên trong khớp khi chúng ta bẻ ngón tay. Phương trình thứ hai rất quen thuộc mô tả những biến thiên về kích thước của những bọt khí tương ứng với từng trường hợp thay đổi áp suất. Và phương trình thứ ba là để đối chiếu biến thiên kích thước của những bọt khí khi chúng tạo ra âm thanh”.
Và sau đó anh giải thích hiện tượng trên nghe qua rất đơn giản: “Khi làm động tác bẻ ngón tay, các khớp ngón tách xa nhau ra, áp suất trong ổ khớp giảm đi và những bọt khí li ti được tạo thành trong dịch khớp. Áp suất thay đổi sẽ khiến cho kích thước các bọt khí biến thiên nhanh chóng và tạo ra âm thanh mà chúng ta nghe được giống như khớp bị vỡ, bị gãy đôi ra vậy”.
Âm thanh đó đến từ đâu?
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm hiểu hiện tượng này, mà ngay từ đầu thập niên 1970 cũng đã có một giả thiết đưa ra tương tự như công trình của hai thầy trò sinh viên Vineeth Chandran Suja, nhưng lúc đó giả thiết này gây nhiều hoài nghi.
Cái mới trong nghiên cứu hiện nay, theo giáo sư Abdul Bakarat, là đã chứng minh được rằng “chỉ cần một bọt khí trong vô số bọt khí được tạo ra đó vỡ ra là cũng đủ tạo ra âm thanh mà chúng ta nghe được bên ngoài”.
Công trình mới này cũng phản biện kết luận của một nghiên cứu vào năm 2015, khi đó lập luận rằng âm thanh phát ra là do các bọt khí hình thành. Thế nhưng công thức toán học mới này đã chứng minh điều ngược lại là do bọt khí vỡ ra mới tạo nên tiếng động răng rắc.
Như vậy bí mật đã được giải đáp.
Vậy bẻ ngón tay có gây viêm khớp hay không?
Câu hỏi thứ hai này cũng đã được giải đáp thỏa đáng. Chuyên gia về dị ứng học Donald Unger (sinh năm 1920) là người đầu tiên quan tâm vấn đề này và đã tự mình làm “chuột bạch” để thí nghiệm: ông đã tự bẻ các ngón tay của bàn tay trái của mình liên tục trong vòng nửa thế kỷ!
Và ông đã giải thích trên tạp chí Arthritis and Rheumatism vào năm 1998 rằng trong suốt thời gian đó cả mẹ, các dì và mẹ vợ của ông luôn cảnh báo ông làm như vậy thì sẽ bị viêm khớp đấy. Nhưng ông không nghe…
Mỗi ngày ông Unger bẻ các ngón tay của bàn tay trái của mình ít nhất là hai lần, trong khi vẫn “để nguyên” bàn tay phải, để dùng làm “vật đối chứng”.
Tính tổng cộng, ông đã bẻ các khớp ngón tay cái được ít nhất là 36.500 lần! Cuối cùng thì sau 50 năm “bẻ ngón”, ông đã đem hai bàn tay ra kiểm tra. Kết quả: hai bàn tay vẫn “lành lặn” như nhau, không có bàn tay nào bị viêm khớp ngón cả.
Kết quả thực nghiệm này đã “giúp” ông Donald Unger đoạt giải IgNobel (Nobel ngốc nghếch) năm 2009 về Y học và mở đường cho những nghiên cứu tiếp theo về vấn đề này.
Năm 2011, một nghiên cứu khác cùng chủ đề được đăng trên tạp chí y học gia đình Journal of American Board of Family Medicine đã chứng minh rằng trong một nhóm hơn 200 người cao tuổi, thì những người thường xuyên bẻ khớp ngón tay vẫn bình an vô sự như những người khác, chẳng có ai bị viêm khớp ngón gì ráo!
Nguồn: tuoitre.vn