Bệnh nhân là học sinh lớp 10 ở Thanh Hóa, đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 gần đây trong tình trạng luôn sợ sệt, mất tự tin, stress kéo dài, đôi khi có ý muốn làm những điều bất thường.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, các rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp ở thanh thiếu niên VN là lo âu, trầm cảm, cảm thấy đơn độc hoặc chứng tăng động, giảm chú ý.
Stress do học sút
Theo lời kể của gia đình học sinh lớp 10 ở Thanh Hóa, hồi học cấp 2 bệnh nhân là liên đội trưởng của trường, học giỏi nhất trường và là “ngôi sao” trong mắt các bạn học cùng trường làng.
“Nhưng khi lên cấp 3 vào học trường chuyên, nơi tập trung rất nhiều bạn học giỏi, thì cháu không giữ được vị trí dẫn đầu, mà chỉ nằm trong top 20 của lớp. Nhiều lần cô giáo vừa ra đề thì các bạn khác đã nhao nhao đòi lên giải, trong lúc ấy cháu vẫn chưa nghĩ ra cách giải, trở nên bối rối, căng thẳng, mất tự tin, càng cố lại càng tụt, dẫn đến stress kéo dài. Cháu đã có những ý nghĩ bất thường, trong đó có cả ý định tự tử” – nhà tư vấn tâm lý Phạm Mai Lan (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1), người tiếp nhận ca bệnh, cho biết.
Trong các cháu vào viện có cháu đang học trường chuyên, đã đề nghị cha mẹ cho chuyển về trường gần nhà khi đang học lớp 10 nhưng không được cha mẹ đồng ý, đến lớp 11 cháu tiếp tục yêu cầu cũng không được cha mẹ chấp thuận. Có trẻ luôn thấy đau dạ dày trước các kỳ thi hoặc thời điểm sắp biết điểm, vì lo lắng kết quả không tốt sẽ phụ lòng cha mẹ…
Phụ huynh cần hiểu
“Ở lứa tuổi này trẻ có tính khí bốc đồng, đôi khi là hiếu thắng. Các cháu có thể sai về giờ giấc hoặc có hôm không thuộc bài, nếu thầy cô gần gũi thay vì trách phạt nặng nề trước mặt các bạn, hoặc phạt trò tách riêng khỏi các bạn trong giờ học sẽ làm trẻ có cảm giác nhục nhã, mất mặt. Nếu bị áp lực tinh thần kéo dài, trẻ sẽ bị sang chấn, stress, có cháu có thể có ý nghĩ tiêu cực, thậm chí tự tử hoặc tự làm bản thân bị thương” – bà Phạm Mai Lan nói.
Trong lúc trẻ gặp những sang chấn, nếu cha mẹ hiểu chuyện, không trách phạt mà đồng hành cùng con, đánh giá đúng sức học của con, không tạo áp lực thái quá, trẻ có chỗ tâm sự và chia sẻ, các cháu sẽ được giải tỏa bớt áp lực. Nhưng nếu cha mẹ bận rộn, sẵn sàng chi trả phí học tập đắt đỏ kèm theo mong muốn con giỏi nhất hoặc giỏi hơn các bạn, vô hình trung đã tạo một “áp lực kép” lên con cái. Áp lực bủa vây, trẻ có thể sẽ hành động dại dột.
Đừng để con đơn độc
Trong nghiên cứu thực hiện trên nhóm vị thành niên và thanh niên 11-24 tuổi ở Hà Nội, TP.HCM, Điện Biên và Hà Giang (vừa được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc công bố đầu năm 2018), các rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp ở thanh thiếu niên VN là lo âu, trầm cảm, cảm thấy đơn độc hoặc chứng tăng động, giảm chú ý. Tỉ lệ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên là 8-29%, ở các mức độ từ nhẹ, từ chưa cần điều trị đến nặng nề. Đặc biệt, tỉ lệ vị thành niên tự tử là 2,3%, thấp hơn tỉ lệ chung toàn cầu (khoảng 9%) nhưng tỉ lệ này đang gia tăng.
Trong hơn 400 người trả lời từng có ý nghĩ tự tử thì có trên 100 người từng tự tử thật bằng các hành vi tự làm tổn thương khác nhau, tỉ lệ này ở nữ cao hơn ở nam và các thất bại trong chuyện tình cảm, gia đình, nhà trường, sự e dè trong chia sẻ các vấn đề cá nhân… là các nguyên nhân hay gặp nhất.
Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đánh giá có khoảng 3 triệu thanh niên, vị thành niên cần chăm sóc về sức khỏe tâm thần. Đây thực sự là một khoảng trống do hiện có rất ít phòng khám hoặc tham vấn tâm lý cho thanh niên, vị thành niên. Cả hai trường hợp học sinh tự tử thời gian qua (bé gái học lớp 7 ở Hà Tĩnh và nam sinh ở TP.HCM) thì thầy cô, nhà trường và gia đình hoàn toàn không nhìn thấy dấu hiệu khác thường, những biến chuyển tâm lý trước khi học sinh quyết định tự tử.
Các loạn thần tuổi thanh thiếu niên
Rối loạn lo âu. Trầm cảm nặng. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Rối loạn tăng động giảm tập trung chú ý. Rối loạn về học. Rối loạn về ứng xử. Rối loạn ăn uống. Tự kỷ. Tâm thần phân liệt.
16% dân số TP.HCM có vấn đề về sức khỏe tâm thần
Số liệu trên được BS Trịnh Tất Thắng – giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM – báo cáo với đoàn giám sát Ban văn hóa – xã hội HĐND TP ngày 10-4.
Cơ sở của con số nêu trên, theo BS Thắng, xuất phát từ những điều tra dịch tễ cắt ngang về tần suất các loại bệnh tâm thần thường gặp của người dân tại TP, cho thấy có đến 16% dân số có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong số này có một số loại bệnh thường diễn tiến mãn tính như tâm thần phân liệt 0,3% – 1%, động kinh 0,5%, trầm cảm 6%, rối loạn lo âu 7%, nghiện hoặc lạm dụng rượu 5%. Đặc biệt là nhóm loạn thần liên quan tới chất kích thích ngày càng tăng cao ở người trẻ.
Theo BS Thắng, hiện bệnh viện đang quản lý 10.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 8.000 bệnh nhân động kinh. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám bệnh ngoại trú, trị liệu tâm lý, khám giám định 800 lượt/ngày, tăng 10-15% mỗi năm. Ngoài ra, mỗi năm đơn vị khám bệnh tâm thần ngoại trú trung bình 3.400 lượt (120 lượt/ngày) cho trẻ em và thanh thiếu niên. Các bệnh lý chủ yếu của trẻ như động kinh, rối loạn tăng động, rối loạn lo âu, rối loạn ngôn ngữ và rối loạn cư xử.
Nguồn: tuoitre.vn