Các thiết bị công nghệ, mạng xã hội (MXH), ứng dụng trực tuyến… đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều bạn trẻ ở thời điểm hiện tại.
Dẫu vậy, sẽ là đáng lo ngại khi không ít bạn thừa nhận dành thời gian cho chúng dần nhiều hơn hẳn cho thế giới thật.
Một ngày “gắn chặt” MXH 12 tiếng là bình thường!
Bạn Xuân Khoa (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết bản thân đã tiếp xúc, quen dùng công nghệ từ tiểu học. Dẫu vậy, giai đoạn giãn cách vừa qua vẫn khiến bạn lo lắng khi nhìn lại, nhận ra bản thân dùng MXH, công nghệ… hơn 12 tiếng mỗi ngày!
“Bật màn hình điện thoại hay laptop lên, tôi thấy YouTube, TikTok gợi ý những clip mà tôi cực kỳ thích xem, rồi Facebook lại giới thiệu các nội dung mà tôi cũng rất quan tâm, các ứng dụng khác thì lại liên tiếp “tiếp thị” các chức năng khiến tôi không thể rời mắt…
Và thay vì học tập, làm việc thì tôi mất cả buổi sáng để lướt mạng. Đó là tôi chưa kể đến game, phim ảnh, tin giật gân…”, Xuân Khoa chia sẻ về nỗi khổ tâm thời gian qua. Ngay cả khi cà phê với người yêu, bạn nhiều lần giật mình nhận ra thời gian nhìn vào màn hình nhiều hơn hẳn dành cho việc nhìn bạn gái.
Xuân Khoa không là ngoại lệ, rất nhiều bạn trẻ thừa nhận bản thân không thể “tách mình” ra khỏi công nghệ trong đời thường, nhất là sau thời gian giãn cách.
Chị Hoàng Anh (lãnh đạo bộ phận nhân sự một công ty về giáo dục) cho biết qua khảo sát nhanh, các lao động trẻ trong công ty gần đây đa số thừa nhận bản thân rất dễ bị xao nhãng, giảm hẳn nhu cầu giao tiếp với đồng nghiệp.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Ân (quyền trưởng bộ môn tâm lý học, ĐH Hoa Sen) cho biết một trong những cách giải thích cho hiện tượng “nghiện” các ứng dụng, MXH trên là do hoạt động của dopamine trong não bộ.
“Dopamine là hóa chất được tiết ra trong não bộ mang lại cảm giác tưởng thưởng, dễ chịu. Khi chúng ta dùng một bữa ăn ngon, xem một bộ phim hay hoặc có buổi trò chuyện vui vẻ với bạn bè, dopamine đều sẽ được sản sinh.
Dần dần, những liên kết này sẽ được củng cố trong các tế bào thần kinh, dẫn đến việc chúng ta phản ứng nhanh hơn, mạnh hơn trước các nguồn kích thích có thể đem đến cảm giác dễ chịu. Đồng thời, dopamine lúc đó trở thành một tín hiệu thôi thúc chúng ta thực hiện những hành động mang lại sự thoải mái lúc trước”, ThS Hồng Ân chia sẻ.
Theo anh, thiết bị công nghệ và MXH là một nguồn kích thích vô tận, đem lại sự thỏa mãn cho người dùng. Một nút “thích”, một nhận xét tích cực… đều góp phần khiến người dùng “mê đắm” vì lượng dopamine được tiết ra.
Còn một số nghiên cứu trên thế giới về lĩnh vực công nghệ thông tin thì gần đây thường nhắc đến cụm từ persuasive technology (tạm dịch: công nghệ thuyết phục).
Có thể hiểu nôm na là các ứng dụng, MXH… luôn không ngừng thu thập dữ liệu người dùng, từ đó phân tích hành vi và “hiểu” người dùng, khiến người sử dụng càng lúc càng bị “gắn chặt”.
Điểm tích cực là chúng giúp cải thiện trải nghiệm người dùng, nhưng “điểm trừ” là nó một phần “gây nghiện”, một mặt góp phần khiến thế giới quan lẫn tính cách của người dùng bị thay đổi mà ít ai để ý.
Làm cách nào để “giải độc” công nghệ?
Theo ThS Hồng Ân, bản thân MXH, các ứng dụng… không mang lại vấn đề cho người sử dụng, mà phần lớn là do nhận thức hay ý thức của người dùng.
Lộ trình “giải độc” công nghệ là một tiến trình cần thời gian với mục tiêu là giành lấy sự kiểm soát về thời gian và cách thức chúng ta sử dụng công nghệ thay vì tìm cách loại bỏ công nghệ ra khỏi cuộc sống của mình.
Lộ trình đó, theo anh, cần được thiết kế phù hợp cho từng người với các điều kiện cuộc sống và công việc rất khác nhau. “Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tự hỏi bản thân “tại sao tôi cần phải dùng điện thoại, ứng dụng lúc này?”, “liệu tôi có thể sử dụng thời gian này vào hoạt động nào khác?” như một cách nhắc nhở, để ý đến hành vi sử dụng công nghệ của mình.
Đồng thời, bạn có thể bắt đầu tắt bớt các tin báo đến từ các ứng dụng, lập thời gian biểu sử dụng, xây dựng những khoảng thời gian hay không gian “rời xa” công nghệ, tích cực tham gia vào các hoạt động tương tác trực tiếp, các sở thích cá nhân…”, ThS Hồng Ân chia sẻ.
Tuy nhiên, anh cũng lưu ý là việc thay đổi các thói quen thường không dễ dàng để có thể thực hiện ngay lập tức. Người dùng cần lên kế hoạch với mức độ thay đổi tăng dần theo thời gian để bản thân không bị “sốc”, bức bối.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bạn Bùi Mạnh Hùng (sinh viên cao học khoa học máy tính, ĐH Stanford, Hoa Kỳ) cho biết về mặt tổng quan, bạn chia giải pháp ra hai loại công cụ. Về công cụ truyền thống, bạn áp dụng lịch giấy, viết ra danh sách các đầu việc cần làm… Cá nhân bạn thường chọn cách thức này vì tuy không mới nhưng hiệu quả vẫn rất cao.
“Điểm mạnh của nó là chúng ta không cần phải sử dụng công cụ điện tử để hạn chế thời gian sử dụng công nghệ, qua đó sẽ giúp giảm bớt sự hấp dẫn hoặc gây mất tập trung của công nghệ”, Mạnh Hùng phân tích.
Về công cụ điện tử, Mạnh Hùng gợi ý một số ứng dụng như Pomodoro (giúp chia nhỏ thời gian làm việc ra thành các khoảng thời gian 25 phút, và có 5 phút cho việc nghỉ ngơi), Notion (giúp quản lý lịch trình, kế hoạch công việc), Freedom (giúp “khóa” và quản lý thời gian dùng các website, MXH…), StayFocusd hoặc RescueTime (chức năng như Freedom), AppDetox (cho hệ điều hành Android giúp đặt lịch, giới hạn thời gian dùng các ứng dụng), Space (quản lý thời gian dùng), Screen Time (cho hệ điều hành IOS cho việc kiểm soát thời gian dùng)…
Nguồn: tuoitre.vn