Rất giàu tiềm năng, nhưng sao vẫn cứ nghèo. Thiên nhiên ưu đãi, nhưng không thể cứ khai thác mãi theo kiểu “đào mỏ”. Làm sao để phát triển du lịch bền vững? Câu hỏi này đã được nhiều địa phương tìm ra lời giải đáp.
Giàu tiềm năng, nghèo du lịch
Còn nhớ Sa Pa của những năm trước, dù sở hữu gần trăm khách sạn, nhà nghỉ nhưng chẳng cái nào xếp nổi hạng sao, tự phát mỗi nơi xây một kiểu. Sa Pa vì thế cứ “lặng lẽ” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Hạ tầng nghèo nàn, du khách đến đây chỉ quanh quẩn thăm Thác Bạc, Cầu Mây, bản Cát Cát… mua vài ba thứ đồ lặt vặt do “nể tình” dân địa phương chèo kéo. Đỉnh Fansipan chỉ dành cho những ai ưa mạo hiểm và có đủ sức khỏe lang thang trong rừng sâu 2 ngày trời. Năm 2013, chỉ có 720.000 lượt du khách đến Sa Pa, doanh thu đạt 576 tỷ đồng.
Cũng là bài học trong việc để người dân làm du lịch tự phát, không có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, hình ảnh Chùa Hương với những quán hàng bán nhan nhản thịt thú rừng đã khiến du khách quốc tế nhìn chúng ta với ánh mắt lệch lạc. Khách đi du lịch, ai cũng háo hức tận hưởng cái gọi là đặc sản địa phương, mấy ai nghĩ mình đang vô tình góp phần… tàn phá thiên nhiên.
Ra Bắc đảo Phú Quốc 5-7 năm trước, chỉ có gió, tiếng côn trùng kêu, bãi biển hoang sơ và những làng chài cũ nát, hiếm hoi lắm là vài căn nhà nghỉ được xây dựng nhỏ lẻ. Cuộc du ngoạn đến bắc đảo Phú Quốc thường chỉ dành cho dân phượt ưa khám phá. Năm 2013, chỉ có khoảng 380.000 lượt khách đến với Phú Quốc với tổng thu từ du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng, và vùng bắc đảo chưa đóng góp gì trong số đó.
Những cuộc tái sinh trên mảnh đất “cằn” du lịch
Năm 2017, Nghị quyết 08 (NQ08) của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được ban hành. Như một kim chỉ nam cho mọi hoạt động đầu tư, phát triển, kinh doanh du lịch, NQ08 đã vạch rõ, một trong những nhiệm vụ và giải pháp để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là phải “Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch”.
NQ 08 cũng nhấn mạnh giải pháp “Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch”, trong đó đặc biệt cần “Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm”.
Sa Pa, từ khi có sự góp mặt của nhà đầu tư Sun Group, đã có thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn như khu du lịch Sun World Fansipan Legend với cáp treo, quần thể du lịch tâm linh trên khu vực đỉnh và nhiều lễ hội giàu bản sắc dân tộc quanh năm diễn ra. Chỉ trong vòng 3 năm từ 2015-2018 số lượng khách du lịch tới Sa Pa đã tăng gấp đôi, lên mức 4,3 triệu du khách/năm và tiếp tục tăng 23,4% mỗi năm.
Ngay cả một địa phương nhiều năm liền ôm khư khư danh vị “Di sản thiên nhiên thế giới” vịnh Hạ Long như Quảng Ninh cũng đã thay đổi. Năng động trong việc mời gọi các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã có những công trình giao thông không – thủy – bộ trọng điểm, đồng bộ mà cả nước chưa có địa phương nào làm được, đã có những khu vui chơi giải trí tầm cỡ khu vực như Sun World Halong Complex… khiến cả một vùng Bãi Cháy trước đó nước biển ô nhiễm, giờ cũng sôi động cả khi không phải mùa cao điểm.
Những con số tăng trưởng của du lịch Quảng Ninh 3 năm qua đủ để cho thấy công cuộc phát triển của Quảng Ninh đã thành công như thế nào. Năm 2015, Quảng Ninh đón hơn 7,7 triệu lượt khách, doanh thu chỉ đạt 6.548 tỷ đồng. Vậy nhưng chỉ trong riêng 8 tháng đầu năm nay, khách du lịch đã đạt 10,5 triệu lượt, đem về doanh thu 20,7 nghìn tỷ đồng, tức là gấp khoảng 3 lần doanh thu của của cả năm 2015.
Cởi bỏ tư duy “ăn sẵn”, không còn làm kinh tế du lịch theo kiểu “đào mỏ’ dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, đó chính là một cách để phát triển du lịch bền vững, là lời giải cho bài toán làm sao để du lịch Việt hóa Rồng.
Nguồn: vietnamnet