Nhiều tiểu thương ở các chợ đầu mối chuyên doanh nông lâm, thủy hải sản tại TP.HCM đều cho biết chủ xe vận chuyển hàng hóa đã thông báo việc tăng giá cước vận chuyển từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên về TP.HCM.

Giá xăng dầu uy hiếp cước vận tải, cước vận tải đè nặng nông lâm thủy sản - Ảnh 1.

Giá xăng dầu tăng đang gây sức ép lên giá cước vận tải 

Với giá xăng dầu cùng nhiều chi phí khác tăng mạnh, các doanh nghiệp vận tải lo ngại sẽ tiếp tục phải đối mặt trước áp lực tăng giá cước, kèm với đó là rủi ro mất khách hàng hoặc thua lỗ.

Trong hoạt động của doanh nghiệp logistics, xăng dầu chiếm từ 35 – 40% trong cơ cấu giá cước. Do vậy, khi giá xăng dầu được điều chỉnh thì lập tức tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành. Trong một tuần qua, nhiều doanh nghiệp logistics tại TP.HCM cho biết chi phí xăng dầu cho đội xe tải bị đội lên từ 5 – 7%, buộc phải có phương án thay đổi giá cước.

Chi phí vận chuyển đội giá

Ông Trần Văn Thành – tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu – cho biết trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp này đã tăng giá cước khi giá xăng tăng mạnh và đã có 50% khách hàng đồng ý. Thế nhưng sau Tết, xăng dầu bất ngờ lại “leo thang”, doanh nghiệp rơi vào tình thế khó xử. Với khách hàng mà doanh nghiệp đã tăng giá cước trước đó, sẽ được giữ nguyên giá. Nhưng với các đối tác còn lại, doanh nghiệp phải tính toán tăng mức giá mới tương ứng với mức tăng thêm của xăng dầu với thời điểm hiện tại.

Theo tính toán của ông Thành, từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng đã tăng hơn 50%. Thông thường khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm khoảng 10 – 20%, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá cước từ 3,5 – 10%. Nhưng giá xăng dầu đã tăng rất cao, khiến doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn. Bởi việc tăng giá phải thật khéo léo, thận trọng, nếu không thì rất dễ mất khách hàng. Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết rất “ngại” làm việc với khách hàng vì giá cước đang rất cao, nhưng nếu không tăng giá cước thì doanh nghiệp vận tải sẽ bị lỗ vì giá xăng vừa tăng mạnh.

Ông Lâm Đại Vinh – giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh (quận 7) – cho biết với cự ly 30km (từ khu vực cảng quận 7 về ngã tư An Sương, Hóc Môn), giá cước vận chuyển container sẽ tăng khoảng 200.000 – 300.000 đồng so với thời điểm tháng 9-2021. Theo ông Vinh, việc tăng giá xăng dầu liên tục thời gian qua, chưa kể nhiều loại chi phí khác như lắp camera giám sát vận tải cho toàn bộ đội xe, đã giáng một đòn mạnh vào quá trình phục hồi của doanh nghiệp sau dịch COVID-19.

Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải cho biết với đội xe tiêu thụ hàng trăm ngàn lít xăng dầu, khi giá tăng khoảng 1.000 đồng/lít, chi phí của doanh nghiệp này bị đội lên khoảng 100 triệu đồng. Trong thời gian qua, xăng dầu tăng giá khoảng 4.000 – 5.000 đồng/lít, tương ứng với chi phí tăng thêm rất lớn. “Nếu không điều chỉnh giá cước, chắc chắn doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ”, vị này nói.

Nông sản gánh thêm chi phí

Những ngày gần đây, nhiều tiểu thương ở các chợ đầu mối chuyên doanh nông lâm, thủy hải sản tại TP.HCM đều cho biết chủ xe vận chuyển hàng hóa đã thông báo việc tăng giá cước vận chuyển từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên về TP.HCM. Các tiểu thương ở chợ đầu mối Thủ Đức cũng nhận được thông báo từ các chủ xe chở hàng hóa thủy sản, trái cây sẽ tăng giá cước chở hàng.

Tại bến xe Miền Đông, nhiều hành khách từ các tỉnh vừa trở lại thành phố cũng cho biết giá vé xe khách từ các tỉnh về TP.HCM chưa giảm dù đã hết cao điểm vận chuyển khách Tết. Một số đại diện doanh nghiệp vận tải khách tại bến xe Miền Đông cho biết giá dầu tăng cao nên dù trong mùa thấp điểm, ít khách nhưng doanh nghiệp buộc lòng phải tính tới điều chỉnh tăng giá vé.

“Phí cầu đường và giá xăng dầu, doanh nghiệp không chủ động. Nước lên, thuyền cũng lên. BOT cầu đường tăng, dầu tăng mà trong tháng này không giảm xuống thì đến đầu tháng 3-2022 doanh nghiệp cũng tăng giá và cuối cùng khách hàng phải chịu chứ nhà xe không thể chịu tiếp” – ông Lê Trung Hiếu, giám đốc Công ty TNHH thương mại Lê Trí (quận 1), nói.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nhìn nhận giá xăng dầu tăng kỷ lục đang tác động rất lớn đến hoạt động và giá thành vận tải trong nước. Để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng dầu tăng trong hoạt động vận tải, Nhà nước có thể trích một khoản kinh phí để có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc trợ giá xăng dầu là một giải pháp khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại.

Theo ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, các loại thuế phí chiếm đến hơn 60% giá thành mỗi lít xăng dầu. Do đó, nếu Nhà nước có giải pháp cắt giảm thuế phí nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu thì sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp cho nền kinh tế sớm phục hồi.

Khi nào giảm thuế, phí?

1645177094937-01 3(Read-Only)

Một cây xăng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM tạm dừng hoạt động trong ngày 18-2. Trước đó, vào ngày 10-2, cây xăng này để bảng thông báo “hết xăng còn dầu” 

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều 18-2, ông Trịnh Quang Khanh, phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, dự báo giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều hành ngày 21-2 tới sẽ tăng 800 – 1.000 đồng/lít.

Theo ông Khanh, giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp lên mức cao nhất trong 8 năm qua trước biến động địa chính trị, căng thẳng Nga – Ukraine và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) vẫn giữ kế hoạch sản xuất 400.000 thùng/ngày… Để kìm giá bán các mặt hàng xăng dầu trong nước trong bối cảnh quỹ bình ổn cạn nguồn, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 4.000 đồng xuống 3.000 đồng/lít, diesel từ 2.000 đồng xuống còn 1.500 đồng/lít.

“Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và diesel nhằm giúp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đúng chủ trương của Chính phủ và Quốc hội. Không nên cho rằng việc giảm thuế khiến ngân sách mất đi nguồn thu, mà cần nhìn tổng thể khi kinh tế phát triển và doanh nghiệp phục hồi thì sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách dù trước mắt số thu từ xăng dầu có thể giảm” – ông Khanh nhận định.

Về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước, giám đốc một đại lý bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội cho biết lượng hàng được doanh nghiệp đầu mối giao cầm chừng, chỉ 2 khoang còn 1 khoang trống. Do đó, cửa hàng cố gắng cung ứng trực tiếp xăng dầu cho những phương tiện tham gia giao thông chứ không bán cho nhu cầu tích trữ vào can, thùng.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan về tình hình nhập khẩu xăng dầu từ đầu năm đến ngày 15-2, cả nước nhập 950.872 tấn với trị giá 734,185 triệu USD. Trong đó, mặt hàng xăng là 79.360 tấn, diesel là 626.591 tấn với trị giá tương ứng 70,619 triệu USD và 488,466 triệu USD… So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhập khẩu xăng giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 24%.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Cước vận tảiGiá vé xe kháchgiá xănglogisticsQuỹ Bình ổn

Các tin liên quan đến bài viết