Giá xăng dầu hôm nay (10/4) trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục đi lên. Trong tuần trước, giá dầu tăng mạnh. Cả 2 mặt hàng dầu Brent và dầu WTI đều tăng hơn 5 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 3/4 của liên Bộ Tài chính – Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 đang bán 22.080 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giá bán là 23.120 đồng/lít. Giá dầu diesel không cao hơn 19.430 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa là 19.030 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 3/4 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.120 | +90 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.080 | +60 |
Dầu diesel | 19.430 | +130 |
Dầu hỏa | 19.030 | -430 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay tiếp tục tăng lên. Giá dầu thô Brent vượt mức 85 USD/thùng. Còn giá dầu WTI đạt mốc 80 USD/thùng.
Tuần qua, giá dầu đánh dấu tuần tăng thứ ba liêp tiếp. Giá dầu tăng mạnh nhất vào phiên đầu tuần. Các phiên sau đó, giá dầu đi ngang hoặc tăng nhẹ.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng vọt hơn 6% sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất ngờ thông báo cắt giảm nguồn cung.
Giá dầu tăng phi mã do thị trường quá sốc với động thái của OPEC+. Động thái này cho thấy OPEC+ đã chính thức từ bỏ những đảm bảo trước đó rằng tổ chức này sẽ giữ ổn định nguồn cung để duy trì thị trường ổn định.
Giá xăng dầu tuần qua tăng mạnh
Reuters cho hay, OPEC+ sẽ cắt giảm thêm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 5. Tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ sẽ lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.
Một cuộc khảo sát mới đây của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC đạt trung bình 28,9 triệu thùng/ngày trong tháng 3, hạ 70.000 thùng/ngày so với tháng 2 và giảm hơn 700.000 thùng/ngày so với tháng 9/2022.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi kế hoạch cắt giảm sản lượng của Nga. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho hay Moscow sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho tới cuối năm 2023.
Tuy nhiên, đà tăng mạnh của giá dầu đã bị kìm hãm ở các phiên sau đó do lo ngại về suy thoái kinh tế tại các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ.
Cụ thể, ở phiên giao dịch thứ hai và thứ ba của tuần, giá dầu thế giới gần như đi ngang sau khi báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho hay, cơ hội việc làm trong tháng 2 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất trong tháng 3 của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 3 năm. Điều đó cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ bắt đầu suy thoái trong vài tháng nữa.
Cùng với đó, dữ liệu kinh tế mới nhất từ Trung Quốc cho thấy tốc độ phục hồi sau đại dịch của nước này đã hạ nhiệt.
Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Hoạt động sản xuất sụt giảm và thắt chặt nguồn lao động đã dẫn tới suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần, giá dầu tăng nhẹ sau khi có thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ giảm. Báo cáo mới đây của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần kết thúc ngày 31/3 giảm 4,3 triệu thùng, trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm nhiều hơn dự kiến.
Giá dầu không có giao dịch trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday).
Theo dữ liệu từ Oilprice, kết thúc tuần qua, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 85,12 USD/thùng, giá dầu WTI chốt tuần ở mức 80,7 USD/thùng.
So với 1 tuần trước đó, trong tuần qua, giá dầu Brent đã tăng 5,23 USD/thùng còn giá dầu WTI tăng 5,03 USD/thùng.
Nguồn: vietnamnet