Tính đến 14h ngày 12-3, giá vàng thế giới đã giảm 30 USD/ounce so với trưa hôm qua, chỉ còn 1.635,5 USD/ounce. Giá vàng trong nước lại chỉ giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng.
Chỉ trong vòng 24h qua, giá vàng thế giới đã giảm tương đương 840.000 đồng/lượng. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 45,8 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC bán ra lúc 14h hôm nay ở mức 47,35 triệu đồng/lượng, chỉ giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá bán vàng miếng SJC đang cao hơn đến 1,55 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua – bán vàng miếng cũng rất xa, lên đến 600.000 đồng/lượng.
Còn giá bán vàng nhẫn ở mức 46,8 triệu đồng/lượng, mua vào 46,05 triệu đồng/lượng.
Tại các cửa hàng vàng, giá vàng miếng SJC cũng neo ở mức 47,3 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch gia mua – bán cũng ngang ngửa so với mức chênh tại Công ty SJC.
Theo các công ty vàng, mãi lực trên thị trường rất yếu do người nắm giữ vàng không muốn bán để chờ mức giá cao hơn trong khi người mua lại chần chừ chờ giá giảm thêm.
Tuy nhiên, giá vàng miếng vẫn neo cao do yếu tố tâm lý và kỳ vọng vì nhiều người đoán rằng giá vàng còn tăng cao khi diễn biến của dịch COVID-19 ngày càng lan rộng. Nhiều quốc gia cũng giảm lãi suất và bơm tiền để cứu nền kinh tế.
Hôm 11-3, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2016 với mức giảm 0,5%, từ 0,75% xuống 0,25%/năm nhằm chống lại suy thoái kinh tế. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ công bố các biện pháp kích thích mới.
Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới giảm mạnh do nhiều nhà đầu tư buộc phải bán vàng để bù lỗ cho chứng khoán, dầu thô. Tuy nhiên, có nhiều dự báo đà đi xuống của giá vàng chỉ là tạm thời. Hiện tại các thị trường chứng khoán vẫn chịu áp lực giảm rất lớn trong bối cảnh các nước chạy đua cắt giảm lãi suất, bơm tiền vào nền kinh tế.
Đến nay, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đã cắt giảm lãi suất như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Canada, Thái Lan, Philippines, Indonesia…
Nguồn: tuoitre.vn