Theo Ban Cơ yếu Chính phủ, tình trạng lộ lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng gia tăng đáng báo động cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương với nhiều biểu hiện và hình thức khác nhau.

Nhận định trên được ông Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ thông tin tại hội nghị “Tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng, Nhà nước” vừa được tổ chức tại Đồng Nai.

Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ Vũ Ngọc Thiềm phát biểu tại hội nghị ngày 28/10. 

Ông Vũ Ngọc Thiềm cho biết, cải cách hành chính và chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng, hằng ngày với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Cùng với việc áp dụng hiệu quả công nghệ số, tình hình mất an toàn, an ninh thông tin ở nước ta diễn biến phức tạp, hệ thống mạng thông tin nước ta nằm trong nhóm các quốc gia phải đối mặt với nhiều mã độc nhất và thường xuyên bị tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, tính chất tinh vi, có tổ chức và ngày càng nguy hiểm, nghiêm trọng.

Đặc biệt, tình trạng lộ lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng gia tăng đáng báo động, cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương với nhiều biểu hiện và hình thức khác nhau. “Tình hình trên đã gây hậu quả nặng nề, đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại của đất nước”, ông Vũ Ngọc Thiềm nhận định.

Khẳng định cung cấp, quản lý dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Ban Cơ yếu Chính phủ, ông Vũ Ngọc Thiềm cho hay, việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ này sẽ tạo yếu tố tác động thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, vừa góp phần đảm bảo an ninh quốc gia vừa tạo điều kiện để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Nhiều hệ thống quan trọng phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử đang dùng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để đảm bảo xác thực, an toàn thông tin.

Trao đổi tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã được cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh ứng dụng trong quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đã đạt được những kết quả quan trọng.

“Việc triển khai, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách hành chính và phát triển chính quyền điện tử”, ông Nguyễn Sơn Hùng đánh giá.

Tuy vậy, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan nhà nước các cấp của tỉnh, như một số Sở, ngành, địa phương chưa mạnh dạn thay đổi thói quen làm việc, ký số văn bản; việc áp dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên các thiết bị di động thông minh, hệ điều hành khác nhau chưa được triển khai rộng rãi…

Theo ông Nguyễn Sơn Hùng, nguyên nhân chủ yếu của các bất cập, hạn chế nêu trên do hành lang pháp lý liên quan đến cung cấp, quản lý và sử dụng thiếu đồng bộ; thủ tục hành chính liên quan đến cấp mới, cấp đổi, cấp lại, gia hạn chứng thư số chưa thuận tiện; hạ tầng CNTT không được đầu tư đúng mức, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong kết luận hội nghị, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ Vũ Ngọc Thiềm cho biết, một trong những nhiệm vụ chủ yếu là tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý về giao dịch điện tử và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tiếp tục tập trung đẩy mạnh áp dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Song song đó, sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng hạ tầng kỹ thuật cho Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đảm bảo bảo mật, an toàn trước sự phát triển của công nghệ lượng tử; đảm bảo an toàn, tin cậy cho các hệ thống lưu trữ điện tử. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ về xác thực và bảo mật thông tin, đặc biệt là công nghệ xác thực mới.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : an toàn thông tin mạng

Các tin liên quan đến bài viết