Từ đầu năm tới nay, dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng giá đất không giảm mà còn liên tục tăng qua từng quý, xác lập mặt bằng giá mới.
Đi làm 15 năm không mơ có nhà
Sau gần 15 năm tích cóp, vợ chồng anh Đỗ Văn Hải (Hà Đông, Hà Nội) mới tính tới chuyện mua nhà. Với số tiền tiết kiệm và vay mươn thêm được khoảng 1,6 tỷ , anh Hải và vợ hy vọng mua căn chung cư tại Hà Nội đủ cho gia đình 4 người
Tuy nhiên, hơn hai tháng tìm hiểu tại nhiều dự án, anh Hải giật mình khi mức giá căn hộ đều tăng. Những dự án chung cư phù hợp với gia đình anh có mức giá đều trên 2,5 tỷ đồng. Với mức giá đất đang ngày càng tăng, kéo theo giá căn hộ cũng tăng mạnh. Điều này ảnh hưởng tới những gia đình trẻ như anh Hải.
“Cứ tích cóp được thì giá nhà lại tăng nên cả đời không mua căn hộ nói gì tới mua nhà đất”, anh Hải nói.
Với tình hình hiện nay, những gia đình như anh Hải chỉ có thể nghĩ đến căn hộ dạng ‘ổ chuột’ của các chung cư chất lượng kém hay dạt ra ngoại thành, vào ngõ sâu mua các miếng đất nhỏ tầm 30 m2 xây các căn nhà hộp tăm tối.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường, 5 năm qua, giá nhà đã tăng 50-60%. Như năm 2015, giá căn hộ hạng B (căn hộ trung bình) giá khoảng 25 triệu đồng/m2 thì đến nay tăng lên 40 triệu đồng/m2, trong khi đó căn hộ hạng C năm 2015 khoảng 15 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Mức tăng giá của đất nền còn “kinh khủng” hơn khi trong 5 năm qua tăng hơn 100%, có chỗ tăng hơn 200%.
Giá nhà đất tăng cao nhiều người không thể mua nhà |
Giá nhà đất tăng phi mã trong khi thu nhập, lương của người lao động tăng theo không kịp. Nếu một người trẻ thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, muốn mua căn nhà khoảng 1,5 tỷ đồng thì phải tích cóp trong 20 năm.
Bởi, để có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, thì người trẻ phải chi ra 9 triệu đồng làm sinh hoạt phí, như vậy còn dư 6 triệu đồng/tháng (đó là chưa nói đến thuế TNCN) thì 1 năm còn dư được 72 triệu đồng. Nếu muốn mua căn hộ khoảng 1,5 tỷ đồng (căn hộ rẻ nhất hiện nay) thì người trẻ phải mất khoảng 20 năm. Nhưng lúc đó, giá nhà có còn ở mức 1,5 tỷ đồng/căn hay đã tăng gấp mấy trăm phần trăm.
15 triệu đồng/tháng không phải là mức thu nhập thấp cho các lao động trẻ nhưng thực tế với thu nhập 20 – 30 triệu/tháng nếu sống ở Hà Nội hay Sài Gòn thì các chủ gia đình trẻ cũng khó có tích luỹ để mua nhà. Như thế, không chỉ người nghèo mà tầng lớp trung lưu chiếm đa số ở đô thị hiện nay đều khó với tới căn nhà an cư. Các khảo sát gần đây, qúa nửa người trẻ được hỏi đều cho rằng, giá quá cao và khi đủ tích luỹ tài chính khiến họ khó sở hữu nhà riêng
Giá nhà tăng cao khiến các chủ đầu tư không còn mặn mà với phân khúc giá rẻ. Phân khúc căn hộ giá rẻ dưới 1,5-2 tỷ đồng, vốn được coi là “vừa sức” với người trẻ tại các thành phố lớn tại Việt Nam, lại trở nên cực kỳ khan hiếm, thậm chí có xu hướng biến mất.
Câu chuyện ở Việt Nam không còn là cảnh báo mà thực tế đã xảy ra. Đơn cử tại Hàn Quốc, hãng thông tấn Yonhap dẫn số liệu của chính phủ cho hay số người siêu giàu của Hàn Quốc, chiếm 1% dân số nước này, có trung bình 6,5 căn nhà/người, trong khi gần một nửa dân số không sở hữu nhà ở.
Tại Trung Quốc, trong những năm gần đây, giá nhà đất liên tục ở mức cao, đến nỗi ai cũng đã quen với những câu nói vui như “bán đất Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến có thể mua toàn bộ đất Mỹ.” Đối với những người bình thường, mua được một căn nhà ở thành phố lớn của Trung Quốc thực sự rất khó.
Giá nhà ngày càng đắt đỏ khiến cho chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Nhưng hơn cả thế, giá nhà đất cao còn trở thành thách thức an cư cho đa số dân văn phòng, trung lưu ở các nước có trình độ phát triển cao hơn nhưng lại chính là viễn cảnh rất gần cho Việt Nam.
Hệ lụy từ giá nhà đất tăng cao
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Có nhiều bạn trẻ dành dụm được 1,5 tỷ đồng, nghĩ rằng sẽ mua được căn hộ xa trung tâm nhưng giá thực tế đã tăng lên 2 hoặc 2,5 tỷ đồng. Đây là thực tế không thể chấp nhận được”.
Ông thẳng thắn cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp lớn thu gom đất để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ, không hoàn thiện dự án, trong khi các doanh nghiệp khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Trước thực trạng này đã dẫn đến hiện tượng lãng phí đất đai nghiêm trọng, làm đình trệ cả tài chính và thị trường rơi vào rủi ro.
Nhiều dự án không thể ra hàng vì chờ tăng nữa |
“Người có đất thì “hô” giá trên trời, nhà đầu cơ thì tha hồ “thổi giá”, người mua ái ngại, cuối cùng không có mấy giao dịch, đường cung – đường cầu khó gặp nhau. Giá BĐS tăng quá cao không đi kèm với giá trị, mang đến nguy cơ trong tương lai, chỉ cần cú sốc thì thị trường sẽ gánh hệ lụy lớn”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Bất động sản TPHCM (HoREA) chỉ ra rằng, “giá đất quá cao thoát ly giá trị thực không phù hợp với “quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung – cầu” và không phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản, lại có thể trở thành “dao hai lưỡi” vừa thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa có thể bất lợi cho chính các chủ đầu tư vì nếu đưa ra giá bán nhà quá cao mà không được thị trường chấp nhận thì có thể làm tăng lượng hàng tồn kho có giá trị lớn”.
Theo ông Châu, hiện nay, TPHCM gần như không thể tìm ra dự án nhà ở thương mại có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2 sàn căn hộ. Với giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả các phân khúc thị trường bất động sản, gây trở ngại rất lớn cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà, trước hết là mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, “nhà ở thương mại giá phù hợp” tại thành phố.
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam – phân tích, giá đất tăng quá cao như hiện nay khiến cho phần lớn người lao động, người có thu nhập mức trung không thể mua nhà.
Giá nhà quá cao, dẫn tới chi phí mặt bằng tăng mạnh, kéo theo các sản phẩm tiêu dùng, ăn uống, dịch vụ đều tăng, vượt khả năng chi trả của người tiêu dùng.
Đồng thời, việc giá bất động sản tăng quá cao so với thu nhập và năng suất lao động tại Việt Nam sẽ làm giảm hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, hệ lụy lớn nhất là nhà đầu tư sẽ lặng lẽ rút khỏi thị trường Việt Nam.
Theo ông Khánh, nguy hại hơn cả là các tài sản định giá quá cao làm tài sản thế chấp có nguy thổi phồng quá mức, dẫn tới ảnh hưởng hệ thống tín dụng, kéo theo hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế đó là phải mất nhiều năm để phục hồi, chưa kể những bất ổn xã hội ngày một lớn.
Nguồn: vietnamnet