Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay liên quan đến đất đai và tài chính. Theo ông, nếu doanh nghiệp hạ giá nhà xuống mức hợp lý hơn, người dân sẽ bỏ tiền ra mua.
Chiều 1/12, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ Xây dựng nhận được câu hỏi liên quan đến rà soát những khó khăn, vướng mắc đối với dự án bất động sản sau khi Tổ công tác của Thủ tướng được thành lập.
“Đề nghị cho biết, đến thời điểm này, Tổ công tác đã có những hoạt động gì? Qua rà soát trước đây, Bộ Xây dựng có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản tập trung vào những vấn đề gì?”, báo chí nêu câu hỏi.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thời gian qua, thị trường bất động sản biến động, nổi lên một số vấn đề. Như nguồn cung có chiều hướng giảm; hoạt động giao dịch bất động sản trầm lắng, tính thanh khoản giảm.
Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo kịp thời, lập Tổ công tác với mục đích tổ sẽ làm việc với địa phương, doanh nghiệp để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo thị trường này ổn định, lành mạnh.
Tổ công tác ngay sau khi thành lập, đã họp và triển khai ngay kế hoạch làm việc với địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác đã làm việc với TP.HCM, Hà Nội, một số doanh nghiệp lớn để lắng nghe khó khăn, vướng mắc.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, bước đầu Tổ công các nhận thấy một số khó khăn liên quan đến thể chế, thủ tục đầu tư và vấn đề tài chính. Với khó khăn liên quan đến thể chế, trong đó có vướng mắc liên quan đến đất đai, như giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá đất.
Khó khăn về liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư với các dự án nhà ở, đô thị đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Theo ông Sinh, nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính do nguồn vay tín dụng, trái phiếu đến hạn phải trả dẫn tới khó khăn trong thực thi các dự án…
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, Tổ công tác đã làm việc, trao đổi trực tiếp với địa phương, doanh nghiệp và hướng dẫn thực thi, thể chế.
“Những gì hướng dẫn gỡ được thì hướng dẫn ngay; phân loại khó khăn vướng mắc, những gì thuộc trách nhiệm thẩm quyền, chẳng hạn liên quan tới nguồn lực, đề nghị doanh nghiệp đầu tư dàn trải thì cơ cấu lại để bán hàng, có nguồn vốn…”, ông Sinh nói.
Với những vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, Tổ công tác đề nghị khẩn trương phê duyệt dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Có ý kiến doanh nghiệp gửi lên Tổ công tác, chúng tôi phân loại nội dung, sàng lọc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Sinh khẳng định.
Một số nội dung vướng mắc thuộc thẩm quyền bộ, ngành như khó khăn liên quan đến đất đai, trình tự thủ tục đầu tư, Tổ công tác phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Kế hoạch – Đầu tư hướng dẫn, tháo gỡ.
Còn nhóm vấn đề vướng mắc liên quan tới thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng, Tổ công tác đánh giá, đề xuất tháo gỡ kịp thời.
Theo ông Sinh, hiện Tổ công tác vẫn đang triển khai công việc, và thời gian tới sẽ làm việc tiếp với 5 thành phố trực thuộc trung ương, một số doanh nghiệp có dự án bất động sản lớn… để đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ.
Nói thêm về vấn đề trên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, hai khó khăn lớn nhất là thủ tục liên quan tới đất đai để triển khai dự án và nguồn tín dụng.
Ông Sơn cho biết, sắp tới cần rà soát phân khúc các thị trường, trong đó tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp. Bên cạnh đó, yêu cầu một số chủ đầu tư tìm cách hạ giá nhà xuống mức hợp lý hơn thì người dân sẽ bỏ tiền ra mua.
Với các giải pháp đồng bộ, ông Sơn tin, tới đây thị trường sẽ ổn định.
Nguồn: vietnamnet