Giá tiêu quá thấp, tiêu bị bệnh chết hàng loạt… khiến nhiều hộ dân ở vùng chuyên canh tiêu lớn nhất Gia Lai là Chư Sê và Chư Pưh nhổ cả trụ tiêu đem bán.
Trụ tiêu chất thành đống bên QL14 chờ bán – Ảnh: TRẦN HIẾU
Dọc theo tuyến QL14 dễ dàng bắt gặp hàng ngàn trụ tiêu được chất thành đống, bày bán hai bên đường. Chỉ những trụ cà chít, căm xe đang chất đống trước nhà, ông Đỗ Văn Kền ở xã Ia Blang, H.Chư Sê, ngao ngán: “Gia đình tôi trồng hồ tiêu hơn chục năm nay nhưng thu chưa được bao nhiêu thì đã khốn khổ với tiêu. Được vài mùa đạt, rồi sau đó tiêu bị bệnh, chết hàng loạt. Giờ thì vườn tiêu 2.000 trụ chết cả! Hết nước, tôi đành nhổ trụ tiêu đưa ra ngoài đường chất thành đống. Được giá thì bán”.
Lúc cao điểm, mỗi trụ tiêu gỗ cà chít, căm xe được mua 150.000 – 220.000 đồng, nay nhổ lên chất đống dọc QL14 bán với giá rẻ mạt: 30.000 – 50.000 đồng/trụ nhưng cũng kén người mua. Thương lái chỉ chọn những trụ đẹp, mua và chở đi các tỉnh miền Trung, Tây nguyên để trồng thanh long, chanh dây, làm tường rào…
Theo thống kê của tỉnh Gia Lai, có hơn 5.500 ha hồ tiêu tại các địa phương bị bệnh chết, ảnh hưởng đến hơn 32.000 hộ. Dư nợ hồ tiêu hơn 4.300 tỉ đồng, trong đó trên dưới 2.000 tỉ đồng nợ xấu. Hơn 26.000 người đã cùng nhau gánh số nợ này. Và với giá tiêu hơn 43.000 đồng/kg như hiện nay, chỉ bằng 1/5 giá lúc cao điểm 2010 – 2015, nếu tiêu không chết nông dân cũng khó có khả năng dôi dư so với định mức đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Lĩnh ở H.Chư Pưh kể: “Nhà tôi có 600 trụ gỗ trồng tiêu nhưng tiêu chết sạch. Tuần trước tôi cũng bán trụ. Phải đem ra tận đường hoặc gọi được thương lái tới vườn thì mình tự nhổ lên để họ chọn. Nhìn hàng trăm trụ tiêu bị ép giá rẻ mạt mà xót quá. Nhưng cũng phải bán thôi, kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Gia đình tôi còn nợ ngân hàng 440 triệu đồng, mỗi quý đóng lãi hơn 11 triệu đồng cũng đã xây xẩm mặt mày. Nhưng gia đình tôi còn may mắn được quây quần với nhau làm cà phê để kiếm sống và trả nợ. Nhiều gia đình ly tán, bỏ cả nhà tiền tỉ đi làm ăn xa càng thảm hơn”.
Theo anh Trần Văn Cường (H.Chư Sê), không chỉ trụ gỗ, nhiều nông dân còn chặt cả các loại cây khác như hong, muồng, keo… khi tiêu chết. Số cây này được bán cho các nhà máy để làm viên nén với giá trên dưới 400.000 đồng/tấn. Nhiều vườn đã bị dọn sạch theo cách ấy. “Nhiều diện tích tiêu bị chết đã được thay thế bằng các loại cây khác như ngô, mít, bơ hay cây dược liệu. Rất nhiều trụ tiêu đã bị nhổ đem bán”, ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, xác nhận và cảm thán: “Không biết đến khi nào giá tiêu, cây tiêu mới phục hồi”.
Theo Thanh Niên