Hiện nay, sự phát triển của kinh tế thị trường đã kéo theo nhiều hệ lụy mà những “tế bào của xã hội” khó thoát khỏi sự ảnh hưởng đó. PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng gia đình Việt đang đối mặt với những thách thức như: Thời gian dành cho tổ ấm ít, sự gắn kết giữa các thành viên lỏng lẻo, bạo lực gia đình và ly hôn. Đáng nói hơn mối nguy ngày càng lớn và nếu các thành viên không quan tâm điều chỉnh kịp thời sẽ đẩy gia đình đi đến kết cục không ai mong muốn.
TỪ NHỮNG CHUYỆN TƯỞNG CHỪNG VÔ LÝ
Những năm gần đây, ly hôn đã trở thành một hiện tượng của xã hội với tỷ lệ năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa. Đành rằng ly hôn là điều không một gia đình nào mong muốn, song hiện nay có những trường hợp ly hôn “không giống ai” mà người trong cuộc cứ khăng khăng cho rằng “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Tình trạng này đang khiến nhiều người có suy nghĩ lệch lạc về vị trí, vai trò gia đình trong xã hội hiện đại.
CÁI “TÔI” QUÁ LỚN
Anh T.T.T (SN 1985) ở xã Thuận Phú (Đồng Phú) tìm đến văn phòng luật sư ở thị xã Đồng Xoài để tư vấn về việc “giành nuôi con” hậu ly hôn. Mặc dù đã “đường ai nấy đi” hơn năm nay, nhưng khi tiếp xúc anh T cho biết “không nghĩ hôn nhân của mình kết thúc lãng xẹt đến vậy”. Anh T kể: Tôi tốt nghiệp đại học là trở về nhà phụ giúp bố mẹ trông coi vườn rẫy. Thời gian đó, tôi quen biết và cảm mến vợ tôi khi cô ấy từ miền Tây lên trông con giúp chị gái. Ít lâu sau chúng tôi kết hôn và hạnh phúc khi có con trai đầu lòng. Hằng ngày, vợ tôi chỉ ở nhà chăm sóc con và phụ giúp mẹ tôi việc nhà. Thế nhưng lúc nào cô ấy cũng không thoải mái. Mặc dù tôi đã giải tỏa giúp vợ bằng cách quan tâm tới cô ấy nhiều hơn nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Những lần như vậy, cô ấy đều muốn về quê và tôi đồng ý. Thế nhưng những lần về quê của vợ con tôi cứ tăng dần và dài ngày hơn. Tôi nhớ con phải xuống thăm và cô ấy nói nếu muốn gia đình đoàn tụ thì về quê ở cùng mẹ con cô ấy. Anh T khẳng định từ khi thấy vợ “có vấn đề”, anh đã cất công tìm hiểu nguyên nhân nhưng đều vô vọng. Bởi giữa mẹ và vợ anh không có mâu thuẫn gì lớn ngoài việc… nấu nướng. Mỗi tháng, vợ anh đều “nhận lương” từ chồng để chi tiêu cá nhân, mối quan hệ giữa 2 bên thông gia vẫn thân tình. Từ đó, anh T đã nhờ gia đình “tác động, phân tích” giúp vợ mình thay đổi suy nghĩ, cùng chồng xây dựng tổ ấm nhưng vợ anh không chịu nên gia đình tan vỡ.
Một tiết mục văn nghệ tham dự Ngày hội gia đình tỉnh Bình Phước năm 2017 (ảnh minh họa) – Ảnh: S.H
Cũng kết thúc buồn nhưng khi vỡ chuyện mọi người đều tiếc cho gia đình của chị N.H.T (Phước Long). Chị T và anh T.V.N từng là một đôi “trai tài, gái sắc”, tham dự nhiều cuộc thi gia đình mẫu mực, hạnh phúc cấp thị xã, thậm chí cấp tỉnh. Chị T hiện là hiệu trưởng một trường THCS, còn chồng chị là công chức ngành viễn thông, con gái đầu lòng đang học tại Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài). Thoạt nhìn vào cuộc sống của chị T ai cũng ao ước, nhưng ít ai biết được những góc khuất trong gia đình này. Chị T buồn bã nhớ lại: Với vóc dáng cao ráo, thon gọn và khuôn mặt ưa nhìn, tôi thường được chọn tham dự các cuộc thi của ngành. Thế nhưng chồng tôi không thích vợ có mối quan hệ ngoài xã hội nên rất khó chịu. Ban đầu anh chỉ tỏ thái độ, sau đó mượn rượu để nói ra những điều khiếm nhã và thậm chí bạo hành. Hơn 10 năm qua, tôi cố nín nhịn vì con và tìm cách thay đổi chồng nhưng không có kết quả nên phải ly hôn.
BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Mặc dù đã hơn 20 năm tình nghĩa mặn nồng và có với nhau 4 mặt con đủ nếp, đủ tẻ nhưng gia đình chị T.T.N ở xã Thanh An (Hớn Quản) vẫn ra tòa ly hôn. Chồng chị N cho rằng từ ngày vợ mình tham gia công tác xã hội thì “đổ đốn”, không còn nghe lời chồng như trước nữa. Những việc lớn, nhỏ trong nhà trước nay đều do chồng quyết định, chị T chỉ răm rắp làm theo thì nay bỗng… cãi tay đôi, thậm chí phản kháng. Mới đầu ngạc nhiên trước thái độ của vợ, chồng chị N đe nẹt vài câu, nhưng dần về sau khi có hơi rượu anh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ ngày một thường xuyên hơn. Chị N thổ lộ: Có những việc rất vô lý mà ảnh cứ bắt mẹ con tôi phải làm theo. Ví như con gái đầu học giỏi môn Văn, ảnh bắt thi đại học khối A; nhà nước khuyến cáo không nên trồng tiêu ồ ạt ảnh lại phá điều bắt trồng tiêu; nhà tôi tổ chức giỗ mẹ ảnh không cho về làm đám; chị em trong ấp rủ đi sinh hoạt hội phụ nữ ảnh cấm tiệt, không cho đi… Lúc đầu tôi cũng nhỏ nhẹ phân tích, nhưng nói ra ảnh đuối lý, thấy không hơn được vợ nên nổi đóa rồi dẫn đến xô xát. Tôi cũng đã cố nín nhịn nhiều lần, nhưng càng chịu đựng ảnh càng làm tới, đỉnh điểm là có lần đánh tôi gãy cả xương sườn nên đành phải ly hôn.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, năm 2016 toàn tỉnh xảy ra 407 vụ bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình về thân thể vẫn chiếm tỷ lệ cao với 238 vụ, đa số do nam giới gây ra. Bà Nguyễn Thị Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh chia sẻ: Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Ở nông thôn đa số xảy ra bạo lực thân thể, còn thành thị chủ yếu bạo lực tinh thần. Tùy trường hợp, có những cuộc hôn nhân không thể hàn gắn cần tới giải pháp ly hôn, nhưng cũng có những gia đình tan vỡ rất đáng tiếc.
Nguồn Báo Bình Phước