Trong phần đối đáp, đại diện viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm luận tội, đưa ra nhiều căn cứ cho rằng truy tố các bị cáo đúng người đúng tội. Tuy nhiên, do gia đình đã nộp 10 tỉ đồng nên viện kiểm sát đề ghị giảm mức án với ông Chung.
Sau khi các bị cáo tự bào chữa, luật sư tham gia tranh tụng, cuối giờ chiều 11-12, đại diện viện kiểm sát đã nêu quan điểm đối đáp. Cơ quan giữ quyền công tố tại tòa dành nhiều thời gian trong phần đối đáp để phân tích hành vi phạm tội của cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Công ty gia đình ông Chung hưởng lợi 36 tỉ
Đồng tình với luật sư và các bị cáo về quan điểm đổi mới công nghệ khi xử lý ô nhiễm ao hồ trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên đại diện viện kiểm sát phân tích “đổi mới phải đúng quy trình, đúng quy định pháp luật”.
“Các bị cáo làm việc phải không gắn quyền lợi cá nhân vào đó, nếu vụ lợi, đưa lợi ích cá nhân, gia đình vào thì xảy ra hậu quả các bị cáo phải chịu trách nhiệm”, viện kiểm sát nhấn mạnh.
Viện kiểm sát nhắc lại quan điểm trong cáo trạng, vụ án này có tính chất đồng phạm, các bị cáo ở vị trí khác nhau, chức vụ khác nhau nhưng thực hiện một chuỗi sai phạm, vai trò bị cáo này sai và bị cáo khác tiếp nhận thực hiện cái sai đấy.
Theo đại diện viện kiểm sát, bị cáo Nguyễn Đức Chung là người trực tiếp chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt dự án xử lý ô nhiễm ao hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội. “Bị cáo đã chỉ đạo quyết định việc mua chế phẩm trái pháp luật qua công ty gia đình để hưởng lợi 36 tỉ đồng”.
Sai phạm của bị cáo Chung thể hiện qua một chuỗi hành vi cụ thể từ chỉ đạo cho bị cáo Giang đi theo đoàn công tác của UBND thành phố đến tham gia các buổi thử nghiệm, hội thảo liên quan đến xử lý ô nhiễm ao hồ. Cựu chủ tịch Hà Nội đã tạo cơ hội cho bị cáo Giang là giám đốc công ty gia đình ông Chung được tiếp cận với công ty nước ngoài, nhập chế phẩm phân phối độc quyền “mang lại lợi ích cho gia đình ông Chung”.
“Bị cáo Giang khai theo chỉ đạo của ông Chung nhập chế phẩm về để UBND thành phố thử nghiệm. Đây là chỉ đạo của cá nhân bị cáo Chung chứ không phải chỉ đạo tập thể.
Giang là giám đốc Công ty Arktic nhưng tham gia một số hoạt động của thành phố như là nhân viên của ủy ban. Hội thảo do thành phố tổ chức cũng có sự xuất hiện của Giang.
Buổi họp này do bị cáo Chung chủ trì nhưng Giang tham gia với tư cách gì? Ai cho phép?”, đại diện viện kiểm sát đặt vấn đề và cho rằng đây là chuỗi hành vi mà bị cáo Chung chỉ đạo tạo cơ hội cho bị cáo Giang.
“Dùng quyền lực thâu tóm lợi ích cho công ty gia đình”
Về ý kiến luật sư cho rằng ông Chung không liên quan đến Công ty Arktic, viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm cáo buộc đây là “công ty gia đình của Nguyễn Đức Chung”. Công ty Arktic là công ty gia đình của ông Chung từ việc làm giả giấy tờ kinh doanh đến chuyển nhượng cổ phần.
Ban đầu con trai ông Chung góp 60% vốn vào công ty, đăng ký lần đầu năm 2015. Sau khi vợ ông Chung ba lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp, bị cáo Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác 40%. Tuy nhiên trên thực tế, vợ ông Chung là người thành lập công ty, góp đủ 5 tỉ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên.
“Công ty Arktic ban đầu không đăng ký kinh doanh hóa chất, nhưng sau chuyến công tác châu Âu của bị cáo Giang với UBND Hà Nội, Công ty Arktic đã chuẩn bị nhập Redoxy-3C về, lập tức đăng ký thêm danh mục kinh doanh này”, đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm đối đáp.
Từ những quan điểm trên, viện kiểm sát khẳng định: “Bị cáo Chung với vai trò chủ tịch đã làm sai quy trình, quy chế, quy định pháp luật. Từ đó, có thể khẳng định bị cáo dùng quyền lực chủ tịch để thâu tóm, đưa lợi ích về công ty gia đình. Đúng ra, bị cáo phải dùng quyền lực này phục vụ lợi ích của nhân dân, của đất nước”.
Kết thúc phần đối đáp, đại diện viện kiểm sát bất ngờ đưa ra quan điểm đề xuất lại mức án đối với cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung do phiên tòa hôm nay có phát sinh việc gia đình bị cáo đã nộp 10 tỉ đồng với ý thức khắc phục hậu quả vụ án.
Cụ thể, trong buổi sáng, viện kiểm sát đề nghị mức 10 – 12 năm với ông Chung nhưng căn cứ tình tiết bồi thường, viện kiểm sát đề nghị mức án áp dụng cho bị cáo Chung từ 8 – 10 năm. Đối với các bị cáo khác, căn cứ các tình tiết giảm nhẹ được luật sư đưa ra, viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử xem xét trong quá trình nghị án.
Nguồn: tuoitre.vn