Sau lần tăng vào tháng 5, mức tăng giá điện lần này giúp EVN tăng doanh thu năm 2023 thêm 3.200 tỷ đồng, giảm bớt phần nào khó khăn cho tập đoàn.
Tại buổi trao đổi thông tin điều chỉnh giá điện chiều 9/11, ông Nguyễn Đình Phước, Kế toán trưởng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Năm 2023, có một số thông số đầu vào ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của EVN. Sản lượng thủy điện, vốn là nguồn điện có giá rẻ, năm nay giảm mạnh; còn giá nhiên liệu đầu vào vẫn cao so với năm 2021.
Trong đó, giá than cao vẫn đang đè nặng lên chi phí mua điện của tập đoàn này. Giá than nhập gbNewC tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,3 lần so với năm 2021; giá dầu HSFO tăng 1,86 lần so với năm 2020 và tăng 1,13 lần so với năm 2021.
Còn than mua của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc cũng tăng từ 29,6% đến 49% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021.
Giá điện tăng 4,5%, lên 2.006 đồng/kWh.
Giá than, giá dầu, giá khí cùng tăng khiến chi phí mua điện than, điện khí của tập đoàn này cũng tăng theo. Bởi lẽ, năm 2023, các nhà máy điện than và khí chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.
Đó là lý do khiến giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh. Nói cách khác, giá mua vào cao hơn giá điện bán ra.
Với mức tăng giá điện lên 2.006 đồng/kWh (tăng 4,5%), có thể thấy vẫn thấp hơn giá thành như EVN công bố.
“Giá bán lẻ điện bình quân năm vừa rồi cũng đã được điều chỉnh tăng 3% ngày 4/5. Đến hôm nay (9/11) đủ cơ sở về thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng”, ông Phước cho biết.
Theo đại diện EVN, mức tăng giá điện lần này giúp EVN tăng doanh thu năm 2023 thêm 3.200 tỷ, làm giảm bớt phần nào khó khăn của năm 2023.
Biểu giá điện sinh hoạt mới từ ngày 9/11/2023.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh của EVN, thông tin: Đối tượng cảm thấy bị ảnh hưởng nhiều nhất khi điều chỉnh giá điện là người nghèo và người yếu thế trong xã hội. Đây là nhóm đối tượng sử dụng điện ít, dưới 50kWh. Các hộ nghèo đều được áp dụng hỗ trợ tiền tương đương 30 kWh. Những hộ chính sách đều được hỗ trợ 30 kWh với điều kiện trong 1 tháng dùng dưới 50 số điện.
“Việc thay đổi giá điện này, Chính phủ hỗ trợ rất nhiều và gần như không tác động đến người nghèo và người yếu thế trong xã hội”, ông Dũng đánh giá.
Còn với những những hộ dùng nhiều điện, từ 400 số trở lên, ông Dũng tính toán số tiền điện tăng thêm là 55.600 đồng/tháng, đây là những người có điều kiện nên sự tác động của giá điện đến đối tượng này sẽ ít hơn.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) chia sẻ: Để đảm bảo điều chỉnh giá điện, tránh giật cục, có lộ trình cụ thể, phản ánh được hơi thở của thị trường, chu kỳ điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng. Theo dự thảo Quyết định 24 sửa đổi, không chỉ có việc điều chỉnh tăng mà còn điều chỉnh giảm phụ thuộc vào thông số đầu vào, theo biến động của thị trường. “Việc điều chỉnh tăng hay giảm giá điện sẽ theo thông số của thị trường. Lần điều chỉnh giá điện này của EVN vẫn theo Quyết định 24 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2017”, ông Trần Việt Hòa cho biết. |
Nguồn: vietnamnet