Ngày 30-5, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong hai tháng, trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ xem Liên minh châu Âu (EU) có đạt thỏa thuận cấm nhập dầu của Nga không trước thềm cuộc họp về gói trừng phạt thứ 6 áp lên Nga.

Giá dầu tăng mạnh sau khi EU không thể đồng thuận việc cấm vận dầu Nga - Ảnh 1.

Các bồn chứa tại nhà máy lọc dầu của Công ty Marathon Petroleum ở Carson, bang California, Mỹ trong ảnh chụp ngày 11-3

Theo Hãng tin Reuters, ngày 30-5, giá dầu thô Brent giao sau tăng 46 cent, tương đương 0,4%, lên 119,89 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 60 cent, tương đương 0,5%, lên 115,67 USD/thùng, kéo dài mức tăng từ tuần trước.

EU dự kiến tổ chức cuộc họp vào ngày 30 và 31-5 để thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 áp lên Nga vì chiến dịch quân sự của Matxcơva ở Ukraine.

Bất kỳ lệnh cấm nào nữa đối với dầu mỏ của Nga sẽ gây áp lực thêm cho thị trường dầu thô vốn đã căng thẳng về nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay đang tăng ngay trước đợt cao điểm về nhu cầu vào mùa hè ở Mỹ và châu Âu.

Hôm 29-5, chính phủ các nước thành viên EU đã không nhất trí về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, họ sẽ tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận cấm vận chuyển dầu của Nga bằng đường biển, nhưng vẫn cho phép vận chuyển bằng đường ống, ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh vào chiều 30-5.

Nếu đạt được sự đồng ý, một thỏa thuận như vậy sẽ cho phép Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech tiếp tục nhận dầu của Nga thông qua đường ống Druzhba trong một khoảng thời gian cho đến khi có được nguồn cung thay thế.

Trong bối cảnh đó, OPEC + (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, trong đó có Nga) dự kiến từ chối lời kêu gọi của phương Tây nhằm tăng tốc bổ sung sản lượng dầu khi họ họp vào ngày 2-6. Các nguồn tin trong OPEC + nói rằng họ sẽ vẫn duy trì kế hoạch tăng thêm 432.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7.

Thị trường dầu cũng bị ảnh hưởng sau khi Iran tuần trước cho biết hải quân nước này đã bắt giữ 2 tàu chở dầu của Hy Lạp để trả đũa việc Mỹ tịch thu dầu của Iran từ 1 tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Hy Lạp.

“Điều này làm dấy lên nỗi lo gián đoạn thêm nữa đối với dòng chảy dầu qua eo biển Hormuz, nơi 1/3 lượng dầu thế giới được vận chuyển qua” – các nhà phân tích từ nhóm nghiên cứu ANZ Research bình luận.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cấm vậngiá dầuLiên minh châu Âu

Các tin liên quan đến bài viết