Vài tháng trở lại đây, nhiều địa phương, ngân hàng đưa ra các chính sách siết phân lô bán nền, điều kiện vay vốn… khiến số lượng giao dịch bất động sản giảm dần, cơn sốt đất dịu đi, ‘cò’ vắng bóng.
Hơn 2 tuần trở lại đây, một “chuyên gia phân lô bán nền” đất rẫy để săn view ở huyện Đắk Song (Đắk Nông) như ngồi trên lửa vì không “thanh khoản” được.
“Xé cọc” do bị siết tín dụng, đánh thuế
Theo ông này, không rõ vì lý do gì, những người đã đặt cọc 100-200 triệu đồng cho ông nhưng báo không mua nữa. “Người ta xé cọc (bỏ tiền cọc), mình vay vốn mua đất, làm hạ tầng giờ đất không bán được, lo quá trời lo!”, người này nói.
Chỉ cách đây 2 tháng, tại nhiều địa phương của tỉnh Đắk Nông, nạn san đồi xẻ núi, phân lô bán nền đất rẫy để “săn view” rất náo nhiệt. Giá đất tăng 3-5 lần, thậm chí có nơi tăng lên 10 lần. Theo ông T., một người môi giới bất động sản tại huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông, giá đất trồng cây lâu năm tại thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’Lấp) đã lên tới 800 triệu đến 1 tỉ đồng/sào (1.000m2).
Tuy nhiên, khi quay trở lại khu vực này, giá đất giảm nhiệt, thị trường không náo loạn như trước đây. Ông Tuấn – một người dân có đất tại thôn 8, xã Nhân Cơ – cho biết việc mua bán, sang nhượng đất vẫn còn nhưng không nhiều như trước.
“Trước đất ven hồ của tôi họ hỏi mua 1 tỉ đồng/sào, ngày nào cũng có người hỏi. Gần đây không thấy những chuyến ôtô dừng lại săn view, mua đất nhanh như mua rau như trước đây nữa”, ông Tuấn nói.
Tình trạng này cũng xảy ra tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và các huyện lân cận. Tại khu vực thôn 7 (xã Cư Êbur) và Đồi Chuối (phường Tân Lợi) của TP Buôn Ma Thuột cũng vắng cảnh “cò” đi lại, săn đất như trước đây.
Gọi vào một số điện thoại dán chi chít ở khu rẫy, việc chuyển nhượng đất khó khăn hơn, do các chính sách siết tách thửa của tỉnh. Theo người này, trước đây việc tách thửa đất nông nghiệp (500m2/lô) khá dễ dàng nhưng hiện nay phải giải thích mục đích tách, kiểm soát giá bán trên hợp đồng…
“Đất nông nghiệp view đẹp, phân lô để làm nhà được mới có giá. Đất nông nghiệp bị để ý, đóng băng, yêu cầu phải sử dụng đúng mục đích (trồng cây lâu năm – PV) thì sẽ khó bán. Hiện nay thành phố kiên quyết ngăn chặn việc xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, thậm chí còn cưỡng chế tháo dỡ, khiến tâm lý người mua càng lo lắng”, người này phân tích.
Quyết chặn phân lô bán nền, siết giao dịch đất ảo
Ngoài việc lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai, xây dựng thì các chính sách siết trong giao dịch, thuế thu nhập cá nhân, trước bạ, tín dụng ngân hàng khó khăn… cũng khiến giá đất giảm nhiệt.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại Đắk Nông cho biết Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ các giao dịch liên quan đến bất động sản phải “soi” kỹ hơn.
Ngân hàng kiểm soát kỹ tài sản thế chấp để đưa ra hạn mức phù hợp, đảm bảo chất lượng tín dụng. Với những người chuyên về đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhưng mục đích không rõ ràng, nguồn thu không ổn định, ngân hàng từ chối cho vay.
Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần chi nhánh Đắk Nông
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Nông cho biết đã yêu cầu các tổ chức tín dụng không vì lợi nhuận mà nới lỏng cho vay bất động sản.
“Đơn vị yêu cầu các ngân hàng phải lựa chọn khách hàng, tuân thủ nghiêm quy định, quy trình, thẩm quyền tín dụng. Các ngân hàng phải có cơ chế kiểm soát, tránh việc khách hàng sử dụng vốn sai mục đích vào đầu tư, kinh doanh bất động sản…”, vị này phân tích.
Trong khi đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo chặn phân lô bán nền đất rẫy, kiểm soát thị trường để chặn trốn thuế thu nhập cá nhân, thuế trước bạ.
Ông Nguyễn Sỹ Phấn, trưởng phòng quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác Cục Thuế Đắk Lắk, cho biết từ giữa năm 2021, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều văn bản chống thất thu thuế trong hoạt động giao dịch bất động sản.
Tuy nhiên, qua đánh giá hết quý 1-2022, dù lượng giao dịch về đất đai trên địa bàn tăng đột biến (103.000 lượt, tăng gần 44.000 giao dịch, gần 200% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng nguồn thu chưa cao.
Vì vậy từ ngày 1-4, ngành thuế Đắk Lắk thí điểm thực hiện đề án quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản và tình hình có nhiều chuyển biến. Từ khi áp dụng đề án thí điểm, nhiều hợp đồng sang nhượng đất phải điều chỉnh phù hợp với giá thực tế.
“Tỉnh cũng yêu cầu Sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát hoạt động công chứng kiểm soát giá ghi trong chuyển nhượng sát với thực tế. Qua đó, các giao dịch bất động sản vì vậy cũng giảm nhiều so với trước đây”, ông Phạm Phú Lộc, chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), thông tin.
Sau điều chỉnh, hợp đồng từ 500 triệu lên 8 tỉ đồng
Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Phấn, từ tháng 1 đến tháng 4-2022, tổng số hồ sơ chuyển nhượng bất động sản phải điều chỉnh, bổ sung theo sát giá thực tế là 3.082 bộ, số tiền thuế (thu nhập cá nhân, trước bạ) tăng thêm là 10,3 tỉ đồng.
Trong đó, riêng tháng 4-2022 số hồ sơ bị yêu cầu chỉnh sửa chiếm hơn một nửa, với 1.838 bộ, số tiền tăng thêm là 5 tỉ đồng. Có trường hợp ban đầu hợp đồng 500 triệu, khi yêu cầu điều chỉnh đã ghi lại trong hợp đồng lên hơn 8 tỉ đồng, tiền thuế tăng từ 42 triệu lên 202 triệu đồng.
“Cùng với yêu cầu chống thất thu thuế, cục yêu cầu các chi cục phải đảm bảo hồ sơ giải quyết trong vòng 5 ngày, tránh phiền hà cho người dân. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương không bắt tay với giao dịch ảo, cấm sách nhiễu, đòi hỏi người dân trong việc giải quyết hồ sơ”, ông Phấn nói.
Nguồn: tuoitre.vn