Việc chiếc mũ quan nhất phẩm (trở lên) thời Nguyễn nguyên vẹn được một người mua đấu giá với giá 600.000 euro (16 tỉ đồng) ở Tây Ban Nha tối 28-10 gây sửng sốt đối với mọi người, đặc biệt trong giới cổ ngoạn.
Đây được xem như “quả bom tấn” trong quá trình giá cả cổ vật Việt tăng cao tột bậc kể từ khoảng 2 năm trở lại đây. Sửng sốt bởi lẽ mọi dự đoán ngay trước thềm cuộc đấu giá đều sai, ít hơn rất nhiều lần với cái giá “gõ búa” của nhà đấu giá Invaluable ở Tây Ban Nha.
Cổ vật Việt Nam, nếu biết cách đặt đúng tầm, biết giới thiệu và tổ chức một cách bài bản thì sẽ có vị trí rất cao trong giới sưu tầm cổ vật quốc tế. Rất có thể kết quả kéo theo chính là văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ được đặt trong xu thế nghiên cứu tìm hiểu cho xứng tầm.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn
“Giá cao khủng khiếp”
Trước đó, tại Huế, nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng trả lời báo Tuổi Trẻ rằng giá 70.000 euro (thời điểm trước đấu giá) là không quá cao; ông dự đoán có thể lên đến 3 tỉ đồng, tức hơn 110.000 euro.
Ông nhận xét thêm rằng chiếc mũ của quan nhất phẩm trở lên, gần ở mức hoàn hảo như vậy là vô cùng hiếm, gần như không thể có ở trong nước. Sau cuộc đấu giá, ông Hoàng nhận xét: “Dù chiếc mũ quá quý hiếm, nhưng với giá 600.000 euro, tức khoảng 16 tỉ đồng thì đối với tôi là ngoài sức tưởng tượng”.
Từ TP.HCM, chuyên gia cổ vật Trần Đình Sơn – tác giả nhiều sách về cổ vật Việt và là một nhà sưu tầm cổ vật lớn trong nước – nhận xét khi giá mũ còn ở mức 42.500 euro: “Giá chiếc mũ quan mà cao đến như vậy thì tôi cũng không thể hiểu nổi”.
Và sau khi nhà đấu giá “gõ búa”, ông nghẹn lời: “Không bao giờ tưởng tượng được giá của chiếc mũ lên đến mức như vậy, nó biến hóa như thần thông đến mức mọi tiên liệu trước đó đều sai hết. Đúng là giá cả đến mức đó thì cao đến sức quá khủng khiếp, đến như những hiện vật tương tự của Trung Quốc cũng khó đạt giá cao đến như vậy”.
Không chỉ chiếc mũ, cái mãng bào của quan nhị phẩm triều Nguyễn (giá sàn 850 euro) cũng được “gõ búa” 35.000 euro (gần 950 triệu đồng). Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng cũng thốt lên: “Trước đó tui đoán giá trúng của chiếc áo khoảng 600-700 triệu đồng”.
Ông Hoàng là chủ nhân của bộ sưu tập trang phục triều Nguyễn nổi tiếng, người từng nhượng cho Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM bộ sưu tập trang phục triều Nguyễn bao gồm cả chiếc long bào nhận xét như vậy chứng tỏ giá cả cổ vật được mua cao so với mức giao dịch trong nước khá nhiều…
Giá tăng phi mã trong cuộc săn lùng
Phiên đấu giá hôm 30-9 của nhà Aguttes – Pháp đã “gõ búa” nhiều tác phẩm mỹ thuật và cổ vật Việt Nam với giá rất cao. Trong đó, món đồ khiến hầu hết các nhà sưu tầm cổ vật trong nước ngạc nhiên vô cùng chính là tô sứ ký kiểu Tam Thai thính triều.
Hiện vật vẽ cảnh chùa Non Nước (Đà Nẵng) kèm bài thơ của chúa Minh – Nguyễn Phúc Chu đường kính 19,5cm, do triều chúa đặt làm ở Trung Quốc về dùng này có giá sàn 3.000 euro, ban đầu được giới sưu tầm trong nước đoán giá không quá 800 triệu đồng.
Thế nhưng giá “gõ búa” lên đến 67.000 euro (khoảng 1,8 tỉ đồng), chưa kể thuế phí, khiến giới cổ ngoạn trong nước chới với.
Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, cổ vật liên quan đến hoàng triều Việt Nam, đặc biệt là đồ sứ ký kiểu Lê – Trịnh và thời Nguyễn (do triều đình định mẫu mã, kiểu thức và đặt làm tại Trung Quốc) giá cả tăng như phi mã, bắt đầu từ trong nước, sau đó “lan ra” nước ngoài mà thể hiện rõ nhất thông qua các cuộc đấu giá quốc tế.
Một điều tưởng chừng nghịch lý: giai đoạn dịch giã khốc liệt nhất thì giá cả càng tăng cao, kéo theo là tình trạng săn lùng ráo riết, đồ không có để mà bán.
Một cái tô chữ “nhật” ký kiểu thời Minh Mạng vẽ đồ án “Một thức nước in trời” đường kính 18,5cm, hiện có giá khoảng 300 triệu đồng, trong khi 2 năm trước giá chỉ 60 triệu đồng.
Một tô thời Thiệu Trị vẽ rồng đường kính 15,5cm, cách đây 2 năm về trước giá chừng 120 triệu, nay khoảng 400 triệu đồng. Một dĩa ký kiểu thời Thiệu Trị đường kính 14,5cm, 2 năm trước chừng 100 triệu, nay giá hơn 350 triệu đồng…
“Đầu năm ngoái, có người mời tôi tám món đồ ký kiểu thời Thiệu Trị với giá gần 1 tỉ đồng, tôi lắc đầu. Giờ lô đồ ấy giá đã lên đến hơn 2,5 tỉ đồng, mà giới sưu tầm chắc chắn sẽ tranh mua” – ông Hoàng nhớ lại.
Ông Hoàng cho rằng đồ ngự dụng rất quý, số lượng lại có hạn, không “nở” thêm được, trong khi người chơi càng ngày càng nhiều, người hiểu biết về cổ vật càng ngày càng tăng cho nên tình trạng lên giá là tất nhiên.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng cho rằng những cổ vật liên quan đến triều Nguyễn tăng giá, xét cho cùng đều là đồ thượng thặng, tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử, cho nên giá cả tăng cao cũng hợp lý.
Theo ông Sơn, trường hợp đồ sứ ký kiểu là loại hình cổ vật thực sự tiêu biểu, là đồ cao cấp nhất của Việt Nam đương thời; dù đặt Trung Quốc làm nhưng mẫu mã, kiểu dáng và thơ văn do hoàng triều Việt Nam đưa ra, tựa như kiểu “nhờ đẻ thuê”.
Ngoài ra, kiểu thức của đồ sứ ký kiểu cũng thể hiện các dấu ấn đặc thù của các triều đại đương thời, ví như: các đồ án rồng phượng trên đồ ký kiểu của Việt Nam khác hẳn trên đồ sứ Trung Quốc; hệ thống thơ văn bằng chữ Nôm của vua chúa lưu lại trên các hiện vật này hầu như không tìm thấy trên các sách sử “chính thống”.
Giá sẽ còn tăng cao
Theo nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng, trong thời gian gần đây, tại Việt Nam, ngoài giới sưu tầm cổ vật chuyên nghiệp săn lùng còn có rất nhiều “đại gia” đổ vào sưu tầm đồ sứ ký kiểu để phần nào thể hiện đẳng cấp của mình. Các “đại gia”, nhất là ở miền Bắc gần như “mua gom” đồ sứ ký kiểu, điều này làm cho giá cả loại hình cổ vật này càng tăng nhanh và mức giá rất cao.
Tô Tam Thai thính triều có bị “tóc” (nứt) nhưng được mua đấu giá đến 1,8 tỉ đồng chưa kể thuế phi
Một người buôn cổ vật ở Hà Nội cho biết: “Hiện nay hầu như tất cả những vật dụng hoàng triều, những món đồ sứ ký kiểu đắt tiền nhất đều nằm trong tay các đại gia của Hà Nội.
Và khi đã vô tay những người này rồi thì rất khó để bán ra bên ngoài trở lại, vì họ thiếu gì tiền mà bán. Các đại gia cũng thường nhìn nhau người kia có món này quý thì họ phải tìm cách có món đồ quý hơn cho bằng được…”.
Ông Hoàng dự đoán “với tình hình này, giá cả cổ vật Việt còn sẽ tiếp tục tăng cao nữa”.
Nguồn: tuoitre.vn