Những ngày qua, khi thầy trò các trường học trong cả nước náo nức đến trường sau đợt nghỉ dài ngày để phòng, chống dịch Covid-19, một thông tin rất đáng buồn trong ngành giáo dục cũng lan truyền rộng rãi. Đó là cùng thời gian này, hiệu phó một trường THPT ở tỉnh Hưng Yên đã bị khởi tố về hành vi giả mạo trong công tác. Vị hiệu phó này đã nhận 105 triệu đồng và thông tin cá nhân để làm giả giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, sau đó mua bằng tốt nghiệp THPT giả cho 7 học sinh của mình.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo từ ngàn đời nay. Người thầy luôn có vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội. Hầu hết nhà giáo đều là những người đáng kính, được nhân dân quý mến. Hơn 1 triệu giáo viên nước ta hiện nay cũng như thế. Trường hợp biến chất như vị hiệu phó ở Hưng Yên chỉ là cá biệt. Đó là điều chắc chắn.
Sau khi bắt ông hiệu phó kia, cơ quan điều tra đã phát hiện và bắt giữ 2 đối tượng ở TP. Hồ Chí Minh tàng trữ 1.100 phôi văn bằng, chứng chỉ cùng 205 con dấu giả của các cơ quan, tổ chức nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đó là con số thật đáng sợ nếu đặt nó vào truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Đáng buồn hơn, không chỉ vị hiệu phó này, ngay trong tháng 3-2020, một cựu hiệu trưởng trường trung cấp nghề ở Hà Nội cùng đồng phạm cũng bị trừng phạt về hành vi bán bằng cấp giả. Và không chỉ bằng THPT, bằng trung cấp, trước đó nhiều trường hợp bằng đại học giả cũng bị phát hiện, thậm chí có cả những “lò ấp” thạc sĩ, tiến sĩ. Có cầu mới có cung, nguyên nhân nào sự giả dối học thức ấy lại có đất sống?
Không phải bây giờ, từ nhiều năm trước, một bộ phận trong xã hội đã sính bằng cấp. Không chỉ sính bằng cấp, không ít người còn dùng mọi thủ đoạn để “đắp lên mặt mình” bằng những bằng cấp giả. Bằng cấp giả ấy không chỉ giả về mặt pháp lý mà còn giả về mặt đạo đức, giả về mặt lương tâm. Đó là bằng thật nhưng học giả. Nhiều trường hợp bằng thật, học thật nhưng trình độ giả. Nhiều trường hợp còn giả đến độ bằng thật, học thật, tỏ ra trình độ thật nhưng trình độ thật sự cũng chỉ là giả. Tất cả họ – những “giả nhân” ấy, luôn có đủ chiêu trò, đủ mánh khóe để hòng che đậy, lấp liếm, giấu giếm đi sự giả dối của mình. Và thực tế không ít trường hợp đã thành công, lòe được thiên hạ, qua mặt được cơ quan tổ chức, dối được cấp trên, lừa được cấp dưới, rồi trục lợi, trèo cao được từ sự giả dối ấy. Vì lẽ đó, các loại, các kiểu bằng giả của những “giả nhân” mới có đất sống.
Cũng cần nói rõ rằng, “giả nhân” chỉ “sống” được trong một số “đất” nhất định. Với môi trường tư nhân, môi trường dân doanh, môi trường doanh nghiệp nước ngoài, sớm muộn “giả nhân” cũng sẽ lộ và bị đào thải. Bởi đơn giản những môi trường này không quan tâm nhiều đến tấm bằng, hay nói cách khác chỉ xem bằng cấp như một điều kiện cần. Còn ở những môi trường khác, cho dù có che đậy khéo léo thế nào cũng sẽ lộ chân tướng qua thực tế công việc nếu là đạo đức giả, lương tâm giả, trình độ giả. Đến khi đó khó tránh khỏi bị đào thải, cho dù có được sự hậu thuẫn, nâng đỡ đủ mạnh đi nữa, cũng sẽ bị đào thải trong tâm trí những người xung quanh. Còn nếu giả về mặt pháp lý, trước sau gì cũng sẽ bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Giả bằng – giả nhân không chỉ dẫn tới trì trệ, hoạt động kém hiệu quả trong các tổ chức, đơn vị, trường hợp này còn làm giảm sút niềm tin trong nhân dân. Trong số rất nhiều hệ quả của giả bằng – giả nhân, đó có lẽ là điều đáng sợ nhất.
Theo Báo Bình Phước