Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thái Bình đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt là tại vùng dịch xã Đông Đô (huyện Hưng Hà) và các vùng uy hiếp lân cận mọi công tác luôn được thực hiện rất quyết liệt, nghiêm túc 24/24 giờ.
Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, công tác phun tiêu độc khử trùng được tiến hành triệt để tại các thôn, xóm ở vùng dịch xã Đông Đô (Hưng Hà) và vùng uy hiếp xã Lô Giang (Đông Hưng).
“Cấm vận” hoàn toàn việc chở lợn ra, vào vùng dịch
Ghi nhận của PV Dân Việt tại “điểm nóng” Đông Đô (Hưng Hà) vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ sự quyết liệt của chính quyền và người dân nơi đây. Từ việc rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng đến công tác lập chốt canh rất thường xuyên, nghiêm túc 24/24.
“Từ khi xuất hiện dịch đến nay, ngoài 5 ổ dịch được phát hiện từ ngày trước đó đến nay địa phương không để phát sinh thêm ổ dịch mới. Đây thực sự là thành quả bước đầu chúng tôi đạt được, mong rằng trong thời gian tới địa phương sẽ xử lý thành công được dịch bệnh nguy hiểm này”, ông Phạm Văn Tạo – Chủ tịch UBND xã Đông Đô nói.
Sáng ngày 21.2, trong quá trình tuần tra, giám sát, đoàn công tác do ông ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình (áo xanh) có phát hiện được một xe chở lợn đi vào vùng dịch xã Đông Đô (huyện Hưng Hà), ngay lập tức tổ công tác đã cho cán bộ lập biên bản, phun tiêu độc khử trùng và đưa đi tiêu hủy.
Cũng theo ông Tạo, vào những ngày này, cùng với sự hỗ trợ của trung ương và địa phương, xã Đông Đô đã huy động các lực lượng tích cực rắc vôi bột và phun tiêu độc khử trùng thường xuyên ngày 1 lần. “Ngoài ra, 5 điểm chốt (có đầy đủ cán bộ cơ quan liên ngành) tại các cửa ngõ, lối vào xã hoạt động 24/24 nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và không để xảy ra tình trạng người dân đưa lợn dịch ra, vào địa phương”, ông Tạo khẳng định.
Các cán bộ thu y Trung ương và địa phương tiến hành lấy mẫu máu lợn ốm tại một hộ nuôi lợn thuộc xã Lô Giang (huyện Đông Hưng).
Tại vùng uy hiếp xã Lô Giang (huyện Đông Hưng) trong ngày 21.2 mọi thứ cũng rất khẩn trương, công tác rắc vôi, phun tiêu độc khử trùng đường liên xóm, thôn, xã được làm bài bản, triệt để. Bên cạnh đó, các điểm chốt chặn cũng được lập ra từ khá sớm nhằm siết chặt, quản lý việc vận chuyển, tiêu thụ lợn ra, vào địa bàn.
Cùng với đó, các công tác thú y như kiểm tra, giám sát, lấy mẫu máu vật nuôi cũng được các cán bộ cơ quan thú y trung ương và địa phương thực hiện thường xuyên 24/24. “Vào thời điểm này chúng tôi phải làm xuyên ngày, đêm để giúp dân. Có hôm chúng tôi phải làm xuyên trưa, xuyên đêm để lấy mẫu máu, bệnh phẩm tại các trang trại, hộ chăn nuôi để đưa đi xét nghiệm kịp thời nhằm đảm bảo phản ứng, xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra”, một cán bộ của Chi cục Thu y vùng II (Cục Thú y) chia sẻ.
Các cán bộ liên ngành tục trực xuyên đêm chốt chặn tại điểm ra, vào vùng dịch xã Đông Đô (Hưng Hà).
Công khai, minh bạch để tạo lòng tin cho người dân
Chỉ đạo tại buổi “họp nóng” ở xã Lô Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) vào chiều tối ngày 21.2, ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng: “Đây là lần đầu tiên chúng ta đối phó với dịch tả châu Phi, một dịch bệnh chưa có thuốc chữa và nguy hiểm bậc nhất thế giới hiện nay nên trong mọi công tác khó tránh khỏi lúng túng nhưng tinh thần là chúng ta phải quyết liệt, làm đến đâu phải chắc đến đó”.
Ông Xuyên cho hay: Điều quan trọng nhất lúc này là chúng ta phải bình tĩnh đối phó với dịch bệnh, tránh làm cho qua, làm sơ sài. Nhất là trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, các địa phương cũng phải làm thật cẩn thận và phải dân chủ, công khai và minh bạch.
Mọi phương tiện ra vào vùng dịch đều được kiểm tra triệt để.
“Khi tuyên truyền, vận động bà con, chúng ta phải giải thích rõ về dịch bệnh và độ nguy hiểm của nó để bà con có kiến thức phòng tránh, không giấu khi có dịch. Riêng đối với công tác kiểm đếm, tiêu hủy lợn chúng ta cũng phải thành lập cả tổ công tác có đủ các thành phần, trong đó nhất thiết phải có cán bộ tài chính và các đoàn thể, mặt trận tổ quốc tham gia thực hiện giám sát công khai. Nếu cần thiết, khi làm xong công tác tiêu hủy, các xã cần công bố số lượng lợn tiêu hủy lên loa truyền thanh để toàn dân được biết nhằm tạo lòng tin trong bà con”, ông Xuyên nhấn mạnh.
Công tác hỗ trợ, rắc vôi bột khử trùng cũng được tiến hành trong đêm tại vùng uy hiếp Lô Giang (Đông Hưng).
Trao đổi nhanh với phóng viên Dân Việt ngày 21.2, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình cho biết, tính đến thời điểm này, trung ương và tỉnh đã hỗ trợ các xã hàng chục tấn vôi bột và thuốc tiêu độc khử trùng để các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.”Chúng tôi đảm bảo sẽ không để các xã thiếu vôi bột và hóa chất, nhất là vùng có dịch và vùng uy hiếp”, ông Dương khẳng định. |
Theo Dân việt