Sáng 28/7, Việt Nam ghi nhận 2.861 bệnh nhân mắc mới Covid-19, gồm 2.858 trường hợp ghi nhận trong nước, 3 ca nhập cảnh. Tổng số mắc tại nước ta hiện đã lên tới 117.121 người.

Qua 12 tiếng (từ 19h ngày 27/7 đến 6h ngày 28/7), cả nước phát hiện thêm 2.861 ca Covid-19, gồm 3 trường hợp nhập cảnh và 2.858 bệnh nhân lây nhiễm trong nước.

17 tỉnh, thành có người mắc mới sáng nay, gồm TP.HCM (2.115), Đồng Nai (134), Tây Ninh (120), Đồng Tháp (91), Khánh Hoà (86), Hà Nội (69), Bà Rịa – Vũng Tàu (56), Trà Vinh (38), Bến Tre (32), Phú Yên (30), Tiền Giang (30), An Giang (24), Đắk Lắk (13), Sóc Trăng (12), Cần Thơ (5), Bình Định (2), Hải Dương (1).

Như vậy, nước ta đã có tổng số 117.121 ca bệnh, trong đó 2.206 trường hợp nhập cảnh và 114.915 bệnh nhân trong nước. Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4), Việt Nam có thêm 113.345 ca lây nhiễm trong nước.

Ghi nhận  2.861 ca Covid-19 mới, thêm 258.077 người được tiêm vắc xin

6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới, gồm Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

11 tỉnh, thành phố không xuất hiện lây nhiễm thứ phát trên địa bàn, gồm Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương.

Về tình hình điều trị, các cơ sở y tế đã chữa khỏi cho 22.946 ca Covid-19. Trong số người chưa khỏi bệnh, có 211 bệnh nhân nặng, đang điều trị ICU và 17 trường hợp nguy kịch, cần can thiệp ECMO. Số bệnh nhân tử vong theo công bố của Bộ Y tế hiện là 524 trường hợp.

Về tình hình xét nghiệm, số lượng xét nghiệm thực hiện trên toàn quốc từ 27/4 đến nay là 5.472.418 mẫu cho 15.848.029 lượt người.

Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, ngày 27/7, thêm 258.077 người được tiêm vắc xin Covid-19. Như vậy, cả nước đã thực hiện tiêm 5.013.175 liều vắc xin. Trong đó, có 4.562.339 liều tiêm mũi 1, 450.836 liều tiêm mũi 2.

Ngày 27/7, TP.HCM thành lập thêm 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, gồm Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 11 (quy mô 5.500 giường) và số 12 (quy mô 4.000 giường) tại TP Thủ Đức; Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (ở quận 5, quy mô 200 giường); Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Hóc Môn (tại huyện Hóc Môn, quy mô 700 giường).

4 bệnh viện trên chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố.

UBND TP.HCM cũng đang chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương hướng dẫn TP. Thủ Đức và các quận, huyện triển khai quyết định thành lập các khu cách ly tập trung F0, F1. Hướng dẫn phải dễ hiểu, dễ làm; có cơ chế, quy chế phối hợp cụ thể giữa y tế, địa phương và gia đình để theo dõi, chăm sóc F0, F1 tại nhà; có trách nhiệm cụ thể trong khâu vận chuyển, giao nhận ca triệu chứng nặng về tuyến trên điều trị.

Chiều tối ngày 27/7, Bộ Y tế cho biết, đến nay TP.HCM đã tiếp nhận 2 đợt chi viện nhân lực y tế với tổng số hơn 6.000 người. Trong đó, đợt 1, thành phố tiếp nhận 3.671 người, gồm: 612 bác sĩ, 1.362 điều dưỡng, 68 kỹ thuật viên và 1.629 sinh viên. Đợt 2, thành phố tiếp nhận 289 người, gồm: 88 bác sĩ, 191 điều dưỡng và 10 kỹ thuật viên.

Ngoài ra, có hơn 2.000 người đã đăng ký hỗ trợ TP.HCM thông qua lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong 3 ngày qua. Số nhân lực này hiện đã được phân bổ về các cơ sở y tế tùy theo cấp độ chuyên môn phù hợp với tính chất công việc. Ngoài lực lượng chi viện trên, vẫn còn nhiều đoàn đã đăng ký và đang chờ lệnh, sẵn sàng có mặt tại TP.HCM.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bộ Y Tếcách lyCovid-19 Hà NộiCovid-19 Khánh HoàCovid-19 Tây Ninh

Các tin liên quan đến bài viết