Đằng sau mức tăng trưởng GDP tích cực, thu ngân sách vượt kỳ vọng, không thể không nhắc đến một góc khác trong bức tranh kinh tế 6 tháng.

Vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doan

8 giờ tối, phòng bán hàng của Công ty CP Tập đoàn thời trang Melya vẫn sáng đèn. Đó là ca làm việc của đội ngũ bán hàng online. Hai năm nay, ngoài việc mở rộng showroom bán hàng, công ty này cũng không ngừng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Đến nay, doanh thu từ bán hàng online vượt trội lượng hàng bán tại các cửa hàng.

Đại diện công ty này cho biết: “Chúng tôi luôn xác định rằng trong ‘nguy’ có ‘cơ’. Việc đa dạng kênh bán hàng giúp doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều mẫu nhanh chóng cháy hàng khi vừa ra mắt. Thậm chí, có bộ sưu tập đã hết sạch khi vừa giới thiệu, còn chưa chính thức lên kệ”.

Dịch bệnh thực sự đã làm nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Nhưng dừng lại hay chịu khuất phục là mất tất cả, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước.

GDP tăng cao, thu ngân sách tốt, nhiều người dân vẫn sống chật vật
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tận dụng các kênh bán hàng online.

Tập đoàn Trung Nam đang đồng loạt triển khai nhiều dự án điện gió trải dài từ Tây Nguyên, Trà Vinh, Ninh Thuận. Việc đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh Covid-19 luôn được ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ, chỉ cần sơ sẩy, cả dự án sẽ đối mặt với rủi ro khó lường, nhất là khi thời gian còn lại không nhiều.

Đại diện tập đoàn này cho biết: “Để đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, chúng tôi thực hiện đo thân nhiệt 2 lần/ngày và phát khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn cho nhân viên, người lao động. Ngoài ra, thực hiện phun khử trùng toàn bộ khu điều hành dự án. Các cuộc họp trực tiếp được bố trí không quá 15 người và ngồi cách xa đảm bảo quy định. Chuẩn bị nước muối loãng thêm gừng cho cán bộ nhân viên súc họng 2 lần/ngày; xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ nhân viên”.

“Chúng tôi nghiêm cấm cán bộ nhân viên tụ tập ở các quán cafe, quán nhậu trên địa bàn trong thời gian dịch bệnh”, đại diện chủ đầu tư cho hay.

Việc các doanh nghiệp vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh góp phần không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt con số ấn tượng trong 6 tháng năm 2021. Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP tăng 5,64%, cao hơn nhiều tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

Mức tăng này dù thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, đó là chỉ số khiến nhiều người ngỡ ngàng. “Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng 5,64%, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới”, Tổng cục Thống kê đánh giá.

Đằng sau con số GDP được công bố

Ngay sau đó, trên trang cá nhân, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng: Con số này phản ánh đúng thực chất của nền kinh tế Việt Nam vì những hoạt động kinh tế không khác nhiều so với thời điểm trước khi có dịch.

Khác với nhiều người, ông Du có những nhận định rất tích cực về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh. Tất nhiên, quan điểm của vị chuyên gia này cũng có nhiều ý kiến không đồng tình. Tại buổi họp báo của Tổng cục Thống kê ngày 29/6, nhiều câu hỏi của phóng viên cũng “xoáy” vào nội dung này, rằng số liệu thống kê có “bất thường” hay không?

GDP tăng cao, thu ngân sách tốt, nhiều người dân vẫn sống chật vật
Vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu.

Đáp lại, đại diện Tổng cục Thống kê đưa ra nhiều số liệu tăng trưởng của các ngành để khẳng định tăng trưởng GDP là phản ánh đúng tình hình kinh tế. Ví dụ, sản xuất máy móc thiết bị tăng khá cao, 7,2%. Sản xuất xe có động cơ tăng 33%, các sản phẩm xe có động cơ dưới 7 chỗ ngồi tăng 37% (Toyota Việt Nam sản lượng tăng trên 30%), Vinfast tăng 73,6%.

“Nguyên nhân do các DN chủ động thích ứng với dịch Covid-19 để duy trì sản xuất kinh doanh”, vị này cho biết.

Một con số khác có thể trả lời cho câu hỏi liệu mức tăng trưởng GDP kể trên có hợp lý hay không, đó là số thu ngân sách. Thu ngân sách là tiền tươi thóc thật, khó có thể nhào nặn. 6 tháng đầu năm, tốc độ thu ngân sách vẫn đạt khá trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ước tính đạt 775 nghìn tỷ đồng (57,7% dự toán năm). Nếu không có tăng trưởng thì không thể có thu ngân sách.

Tuy nhiên, đằng sau mức tăng trưởng GDP ấy, mức thu ngân sách ấy, không thể không nhắc đến một góc khác trong bức tranh kinh tế 6 tháng. Hơn 70.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể; hàng triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã cho thấy những khó khăn của nền kinh tế, của người dân vì dịch bệnh. Không ít người đã lâm cảnh túng quẫn, bi đát, cùng cực.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy: Tính đến hết ngày 15/6/2021, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 105,82 tỷ USD, tăng 35%, tương ứng tăng 27,43 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Điều đó cũng phản ánh một vấn đề quan trọng liên quan đến chất lượng tăng trưởng GDP của Việt Nam – quốc gia luôn tăng trưởng thuộc top đầu thế giới. GDP đôi khi chỉ là con số, khác với chỉ tiêu Tổng thu nhập quốc dân (GNI). Nếu như GNI phản ánh sát thực hơn phần kiếm được của một quốc gia trong một tháng, một năm, thì tăng trưởng GDP đôi khi còn lạc nhịp với mức sống của người dân, thu nhập của nhân dân.

Một trong những nguyên nhân là tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn còn dựa không ít vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Lợi nhuận kiếm được phần lớn thuộc về họ, người Việt Nam chỉ nhận về phần giá trị gia tăng ít ỏi.

Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2020, do Tổng cục Thống kê công bố cuối 5/2021, thu nhập bình quân một người năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,23 triệu đồng/tháng. Bình Dương – địa phương có mức thu nhập bình quân cao nhất – cũng chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng. Tính ra, số tiền ấy thật khó đảm bảo chi tiêu sinh hoạt thường nhật, chưa nói đến tích lũy. Vậy nên, khi dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp đóng cửa, nhiều cửa hàng đóng cửa, giá cả leo thang thì hàng triệu người sẽ phải chật vật để sinh tồn.

Dịch bệnh Covid-19 khiến những hạn chế này bộc lộ rõ hơn. Vì thế, để con số GDP thực chất hơn, người dân có thu nhập cao hơn thì việc chú ý đến chất lượng tăng trưởng cần được coi trọng. Việc cần làm nhất bây giờ là kiểm soát tốt dịch bệnh. Tiếp đó, phải có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp “nội” mạnh mẽ hơn, đem lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho đất nước.

Khi nền kinh tế mạnh hơn, Nhà nước mới có đủ nguồn lực để hỗ trợ các đối tượng yếu thế, những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội trước các biến động bất thường như dịch Covid-19 hiện nay.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Doanh Nghiệp Khó Khăngói hỗ trợtăng trưởngtăng trưởng GDP

Các tin liên quan đến bài viết