13 công ty Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lệnh trừng phạt do có hoạt động kinh tế với Bình Nhưỡng.
Quyết định được đưa ra chỉ sau một ngày Washington đưa Bình Nhưỡng trở lại bản “danh sách đen” các nước tài trợ khủng bố.
Áp lực tối đa
Ngày 21-11, trang web của Bộ Tài chính Mỹ đăng thông báo đã áp đặt lệnh trừng phạt với 13 công ty Trung Quốc và Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt mới này cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tập trung làm suy yếu mối quan hệ thương mại của Triều Tiên, nhằm tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.
“Sẽ tăng cường hơn nữa các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và những cá nhân có liên quan nhằm gây áp lực tối đa để cô lập chế độ này” – Bộ trưởng tài chính Steven T. Mnuchin tuyên bố.
Ba doanh nghiệp Trung Quốc bị đưa tên vào danh sách bị trừng phạt là Công ty kinh tế và thương mại Đan Đông Kehua, Công ty thương mại Đan Đông Xianghe và Công ty thương mại Đan Đông Hongda. Riêng ba công ty này đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 650 triệu USD và nhập khẩu hàng hóa trị giá 100 triệu USD từ Triều Tiên từ năm 2013.
Danh sách cũng có tên một người Trung Quốc là Sun Sidong và công ty của ông ta, Công ty công nghiệp Đan Đông Dongyuan. Theo Bộ Tài chính Mỹ, công ty của ông Sun Sidong đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 28 triệu USD sang Triều Tiên.
Mạng lưới các công ty Trung Quốc có liên kết với nhau có tổng giá trị thương mại lên đến hàng trăm triệu USD với Triều Tiên.
Thành phố Đan Đông ở Trung Quốc giáp với Triều Tiên là nơi tập trung nhiều công ty có quan hệ làm ăn với Bình Nhưỡng.
Ông Anthony Ruggiero, một chuyên gia về Triều Tiên tại Tổ chức Phòng vệ dân chủ, nhận xét thẳng rằng Trung Quốc đã không thực thi nghiêm túc các quy định về tài chính ở khu vực Đan Đông. Điều này dẫn đến việc Đan Đông thu hút nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn kiếm lợi từ việc buôn bán với Triều Tiên.
Danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ cũng có tên sáu công ty hàng hải và vận chuyển Triều Tiên với 20 tàu hàng mang cờ Triều Tiên. Các công ty này bị cáo buộc tổ chức các hoạt động vận tải trá hình, mua bán dầu từ tàu sang tàu ngay trên biển để đối phó với lệnh cấm bán nhiên liệu cho Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng nhắm vào các công ty xuất khẩu lao động của Triều Tiên đến các nước Nga, Ba Lan, Campuchia và Trung Quốc. Chính quyền Mỹ cho biết họ đang tìm cách cắt số tiền mà Triều Tiên kiếm được nhờ xuất khẩu lao động.
Trung Quốc phản đối
Đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp trừng phạt các hoạt động thương mại bình thường hằng ngày của Triều Tiên nhằm tăng áp lực với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên được cho là đã sử dụng một mạng lưới phức tạp các công ty vỏ bọc để kinh doanh tại Trung Quốc và các nước khác nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt.
Lệnh trừng phạt cho phép Washington trừng phạt các công ty nước ngoài có giao dịch với Bình Nhưỡng, bao gồm việc phong tỏa tài sản ở Mỹ và chấm dứt các quan hệ giao thương với Mỹ.
Việc Mỹ nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc là một nỗi đau với Bắc Kinh. “Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt đơn phương bên ngoài khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là việc áp dụng cái gọi là ‘quyền hạn pháp lý dài hạn’ mà một số nước đặt ra” – báo New York Times dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington ngày 21-11.
Vẫn còn hi vọng
Ngày 20-11, Ngoại trưởng Rex Tillerson ghi nhận Triều Tiên đã tạm ngừng thử hạt nhân và tên lửa được hai tháng kể từ tháng 9 và nói rằng vẫn còn hi vọng giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng con đường ngoại giao. Ông Tillerson cảnh báo nhắm vào lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un: “Các lệnh trừng phạt sẽ trở nên tồi tệ hơn cho đến khi ông sẵn sàng thảo luận”.
Nguồn: tuoitre.vn