Sau một tuần đi bộ, các khớp chân ở mắt cá, đầu gối đã có biểu hiện đau nhưng người phụ nữ vẫn cố hoàn thành mục tiêu 10.000 bước mỗi ngày trong 3 tháng.
Vào viện vì cố đi bộ
Tập luyện thể dục trong đó có đi bộ được nhiều người lựa chọn vì nhẹ nhàng, phù hợp với mọi đối tượng và mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không ít trường hợp đã phải nhập viện do sai lầm khi tập luyện bộ môn này.
Chị L.H.A. (45 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) vào viện khám trong tình trạng viêm bao xơ các khớp cổ chân, gối. Theo nữ bệnh nhân này, khoảng 3 tháng nay chị đi bộ và chạy bộ nhiều. Chị tham gia chương trình 10.000 bước/ngày cùng với các đồng nghiệp.
Mỗi ngày, chị A. đều cố chạy hoặc đi cho đủ 10.000 bước chân. Cảm giác chinh phục được mục tiêu đề ra khiến người phụ nữ này “nghiện”. Hằng ngày, 5h sáng, chị ra công viên gần nhà đi bộ. Sau một tuần, chị cảm giác người nhẹ nhõm hơn nhưng lại đau cổ chân và gối. Chị cảm giác bước chân lên cầu thang đau nhói ở gối. Hai mắt cá chân sưng phù.
Khi lên mạng tìm kiếm, các triệu chứng của chị được cho là do kỹ thuật “điểm rơi chân” khi chạy chưa đúng. Người phụ nữ vẫn cố, đau chân không chạy được, chị đi bộ.
Sau gần 3 tháng, các khớp chân càng đau hơn, người phụ nữ này quyết định đến bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết chị bị viêm khớp cổ chân, khớp gối. Đặc biệt, tình trạng viêm khớp chuyển sang mạn tính, khớp gối khô dịch. Bác sĩ yêu cầu chị dừng ngày việc cố đi đủ 10.000 bước chân mỗi ngày.
Trường hợp khác là anh N.V.B (37 tuổi, trú Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bị khô khớp vì chạy bộ quá nhiều. Người đàn ông này cho biết hơn một năm trước, anh đi kiểm tra sức khỏe có hiện tượng tiền đái tháo đường, mỡ máu, gan nhiễm mỡ. Do đó, người đàn ông này quyết tâm luyện tập.
Người đàn ông này lựa chọn chạy bộ. Sau một thời gian tập luyện, anh luôn đặt ra mục tiêu từ 10-15km mỗi ngày. Bộ môn này giúp anh khỏe hơn, cơ thể săn chắc hơn. Dù vậy, hai tháng gần đây anh cảm giác “đầu gối lạo xạo, khi ngồi xuống, cảm giác gối khó di chuyển như trước”. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm khớp gối.
Tập bao nhiêu là đủ?
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Ứng dụng Việt Nam, cho biết trường hợp như chị L.A không phải là hiếm gặp. Luyện tập thể dục thể thao là “bài thuốc miễn phí đầu tay”chữa nhiều bệnh như béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu nhưng việc tập luyện như thế nào cần phải phù hợp với sức khỏe của mình.
Ví dụ, người béo phì cố đi 10.000 bước tương đương 7-8 km mỗi ngày xương khớp sẽ bị ảnh hưởng do trọng lượng của cơ thể gây áp lực cho khớp gối, cổ chân. Với phụ nữ, mỗi ngày chỉ cần đi bộ 4.000 bước đã giúp giảm nhiều bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Phụ nữ không cần cố gắng đi đủ 10.000 bước mỗi ngày nhất là người có trọng lượng cơ thể lớn, người có bệnh xương khớp từ trước.
Ngoài đi bộ, chạy bộ, bác sĩ Sơn cho biết người dân nên kết hợp với các bài tập khác như bơi lội, đạp xe, chơi các môn thể thao đối kháng như bóng bàn, cầu lông,… Tốt nhất, các bài tập cần linh động và thay đổi thường xuyên. Một tuần, mỗi người nên đi bộ khoảng 3 buổi, không cần thiết phải đi đủ 10.000 bước chân mỗi ngày. Nếu bạn mới tập luyện, các buổi đi bộ, chạy bộ nên theo thể trạng, không nên quá gắng sức.
Bác sĩ Sơn lưu ý việc đi bộ, chạy bộ ngoài phù hợp với thể trạng của mình, người thực hiện cần chuẩn bị thêm giày chuyên đi bộ để có độ ma sát tốt. Trước khi đi bộ, chạy bộ, bạn cần làm nóng cơ thể bằng cách khởi động nhẹ nhàng 5-10 phút, đi bộ nhẹ nhàng, không nên sải bước quá dài.
Bác sĩ khuyến cáo thêm những người có bệnh xương khớp, tim mạch nên tham khảo bác sĩ điều trị trước khi tham gia bất kỳ bộ môn thể thao nào. Đặc biệt, khi các khớp có biểu hiện đau, người tập nên dừng nghỉ 3-4 ngày, nếu tình trạng đau không đỡ cần đi khám bác sĩ. Ngoài luyện tập, người dân cần có chế độ ăn uống khoa học để tránh thừa cân, béo phì và rối loạn chuyển hóa.
Nguồn: vietnamnet