Năng lực sản xuất ở nước ta rất lớn, lương thực, thực phẩm như gạo, thịt, cá, tôm, trứng, rau củ, trái cây,… sản lượng đều từ vài triệu tấn đến hàng chục triệu tấn. Bộ NN-PTNT khẳng định, nguồn hàng dồi dào, đủ cung trong mọi trường hợp.

Sau khi nghe tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc nhằm hạn chế lây lan dịch Covid-19, nhiều người có tâm lý đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm về tích trữ.

Trước diễn biến này, Bộ Công Thương khẳng định, trong thời gian “cách ly toàn xã hội”, siêu thị vẫn hoạt động, xe vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp vẫn được lưu thông, hoạt động bình thường.

Theo đó, khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy và cung ứng cho địa bàn cách ly. Trường hợp chỉ còn xe của lực lượng vũ trang hoạt động, Bộ Công Thương sẽ đề nghị quân đội, công an phối hợp điều phối xe vận chuyển mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ.

Trong khi đó, theo cáo của Bộ NN-PTNT, năng lực sản xuất của nước ta lớn chưa từng có nên nguồn cung lương thực, thực phẩm đang rất dồi dào, không lo thiếu hàng hoá.

Gạo, thịt, rau... hàng chục triệu tấn, chợ vẫn mở tha hồ mua

Nguồn cung rau củ quả của nước ta rất dồi dào

Cụ thể, về lương thực, vụ đông xuân năm 2020 tại các tỉnh ĐBSCL lúa được mùa, năng suất ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn. Tổng sản lượng lúa trên cả nước ước đạt 20,3 triệu tấn.

Báo cáo của Bộ NN-PTNT về kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 cũng nêu rõ, sản xuất lúa năm nay dự kiến đạt 43,5 triệu tấn tóc. Trong đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 29,96 triệu tấn (gồm cả nhu cầu cho người, cho chăn nuôi, làm giống và cho tích trữ), xuất khẩu dự kiến 13-13,4 triệu tấn thóc (tương đương 6,5-6,7 triệu tấn gạo).

Tương tự, nhờ kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi nên công tác tái đàn tại các địa phương đang được đẩy mạnh. Hiện đàn lợn cả nước đạt trên 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019), tốc độ tăng đàn bình quân ba tháng đầu năm 2020 tăng 6,2%. Theo đó, quý II đạt 950 nghìn  tấn, quý III đạt 1,02 triệu tấn, quý IV đạt 1,09 triệu tấn.

Đó là chưa kể, 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam còn nhập khẩu khoảng gần 40.000 thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc nhập khẩu này để bổ sung nguồn cung cho thị trường trong nước, giúp hạ giá thành mặt hàng này.

Không chỉ đàn lợn tăng, đàn gia cầm hiện đã đạt 467 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm đạt khoảng 1.278,6 ngàn tấn, sản lượng trứng gia cầm cũng đạt khoảng 13,3 tỷ quả.

Hay như hai tháng đầu năm nay, sản xuất thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Tổng sản lượng ước đạt 1,02 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gạo, thịt, rau... hàng chục triệu tấn, chợ vẫn mở tha hồ mua
Sản lượng thịt gia cầm, thịt lợn, trâu, bò… đều tăng mạnh nên không lo thiếu thực phẩm

Trong khi đó, với diện tích trồng như hiện nay, sản lượng rau của nước ta ước đạt hơn 17 triệu tấn, trái cây đạt trên 13 triệu tấn.

Từ bức tranh sản xuất của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Việt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) khẳng định sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khuẩu. Theo đó, không lo thiếu lương thực thực phẩm trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, mỗi năm, Việt Nam sản xuất 50 triệu tấn lương thực; sản lượng thịt lợn, gà, bò khoảng 5,8 triệu tấn, 8 triệu tấn cá tôm, rau quả, trái cây cũng hàng trục triệu tấn,…

Bộ trưởng Cường cũng khẳng định, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp đang đạt đỉnh nên hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước và còn dư thừa để phục vụ xuất khẩu.

Thực tế, hiện Việt Nam đang xuất khẩu nông sản tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD; trong đó thị trường lớn như Trung Quốc đạt 11 tỷ USD, Hoa Kỳ khoảng 10 tỷ USD, EU khoảng 6-7 tỷ USD,… Bộ trưởng Cường cho hay.

Trước yêu cầu cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, đại diện các hệ thống siêu thị lớn cũng cho biết, họ đã tăng lượng dự trữ hàng lên gấp 2-3 lần, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Đáng chú ý, thời gian mở cửa các siêu thị cũng được kéo dài hơn, thậm chí nhiều siêu thị còn đẩy mạnh mảng bán hàng online nhằm giúp người dân mua hàng thuận lợi hơn trong mùa dịch Covid-19 này.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bộ NN-PTNTgạoraurau củ quảthực phẩm

Các tin liên quan đến bài viết