4 dự án thua lỗ, yếu kém của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nằm trong 12 dự án yếu kém ngành Công Thương tiếp tục tạo ra gánh nặng cho Tập đoàn này khiến tình hình tài chính thêm căng thẳng.
Báo cáo mới đây của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy, quý I/2020 doanh thu Vinachemước đạt hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, 4 doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 Lào Cai, DAP Hải Phòng tiếp tục lỗ khoảng hơn 800 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ 2019. Còn lại các doanh nghiệp khác của Vinachem có kết quả kinh doanh khá ổn định, đem lại số lợi nhuận là 363 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Như vậy, tính riêng số lỗ của 4 “cục nợ” Vinachem đang phải gánh đã lớn hơn lợi nhuận của các doanh nghiệp còn lại, tạo sức ép lên cả tập đoàn này.
Theo đánh giá của Vinachem, tình hình 4 doanh nghiệp, dự án yếu kém ấy sẽ còn tiếp tục khó khăn nếu dịch bệnh không sớm kết thúc.
Dự án đạm Hà Bắc vẫn đang ngập trong thua lỗ. |
Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý II/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém trên sẽ lỗ tới 3.444 tỷ đồng, tăng 33,9% so với kế hoạch. Trong khi, lợi nhuận của các doanh nghiệp còn lại cũng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, chỉ đạt khoảng 1.150 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra.
Điều đó khiến doanh thu cả năm của Vinachem chỉ ước đạt hơn 39.200 tỷ đồng, giảm gần 15% so với kế hoạch năm 2020.
Còn trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý III/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém kể trên lỗ tới hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 41,7% so với kế hoạch. Các doanh nghiệp còn lại lợi nhuận ước đạt 962 tỷ đồng, giảm gần 1 nửa so với kế hoạch. Do đó, Vinachem sẽ phải gánh lỗ nặng.
Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý IV/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém của Vinachem có thể lỗ hơn 3.700 tỷ đồng, tăng 45,7% so với kế hoạch.
Lý do khiến 4 doanh nghiệp kể trên lỗ nặng là vì năm 2020 khấu hao và chi phí tài chính tăng cao, giá bán giảm.
Cụ thể, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc chi phí khấu hao tăng hơn 440 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 122 tỷ đồng so với năm 2019.
Công ty CP DAP Vinachem chi phí khấu hao tăng 47 tỷ đồng so với năm 2019; Công ty CP DAP số 2 Vinachem chi phí khấu hao tăng 131 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chi phí khấu hao tăng hơn 436 tỷ đồng.
Các đơn vị còn lại của Vinachem lợi nhuận năm 2020 ước đạt 816 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với kế hoạch.
Tính chung toàn tập đoàn, Vinachem sẽ phải gánh khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng chỉ vì chịu 4 “cục nợ” trên vai.
Trước nguy cơ 4 dự án yếu kém có thể “kéo sụp cả tập đoàn” như lãnh đạo Vinachem từng lo ngại, Tập đoàn này kiến nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng xem xét gỡ khó một số khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho 3 dự án là đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 2 Lào Cai. Đó là cơ cấu kéo dài thời hạn vay tối đa thành 30 năm; không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả kể từ khi phát sinh; điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay,…
Đối với khoản vay Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Vinachem đề nghị cho 3 dự án trên được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục cho vay vốn lưu động.
Nguồn: vietnamnet