Chuyện về ông Nguyễn Văn Ách (Bảy Ách), Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp, Bình Phước chúng tôi đã kể nhiều. Lần này gặp lại, biết rằng cuối tháng 12 ông nghỉ hưu, vậy nhưng chuyện về những cánh rừng trong ông vẫn chưa thôi trăn trở!…
Những sáng chế độc đáo
“Tình yêu, trách nhiệm với rừng thể hiện qua việc làm, hành động chứ không phải lời nói suông”, đó là cảm nhận của tôi khi nghe ông Bảy giới thiệu những “sáng chế độc đáo, không giống ai”, phục vụ công tác chữa cháy rừng.
Ông Bảy Ách giới thiệu về chiếc máy cày cải tiến thành xe chữa cháy cơ động và những tấm lá chắn ngăn lửa lan
“Món” đầu tiên là chiếc máy cày được cải tạo, nối thêm một rơ móc phía sau làm bệ đặt bồn nước. Nắp bồn nước đồng thời là đường ống gắn súng bắn nước có áp lực cực mạnh. Theo ông Bảy Ách thì: “Tất cả những thứ này đều rất rẻ tiền. Ngoài chiếc máy cày và súng bắn nước phải mua, còn lại toàn đi xin. Chi phí ít nhưng rất hiệu quả. Vì xe máy cày có cặp bánh to, máy khỏe, rất phù hợp với địa hình rừng”. Một món đồ rất quan trọng dành cho người chữa cháy có thể tiếp cận gần đám cháy rừng nữa được ông Bảy “chế” ra, đó là những tấm tôn chặn lửa cháy lan. Mỗi tấm cao hơn 1m, ngang 2m, được gia cố khung bằng những cây thép có chân. “Khi cháy rừng, cắm những tấm tôn này xuống thành một hàng rào, có thể ngăn lửa lan rộng. Phối hợp với những chiếc xe máy chữa cháy cơ động nữa”, ông Bảy giới thiệu rồi dẫn chúng tôi ra khu nhà kho phía sau. Ở đó có hơn chục chiếc xe máy “dã chiến”, đã được “độ” lại máy, lốp là loại dành cho xe địa hình. Trên mỗi xe có một thùng nhựa loại 200 lít, một đầu ống gắn liền thùng, đầu còn lại là súng bắn nước tự chế, áp suất mạnh, có thể phun xa vài chục mét. Những chiếc xe cào cào này sẽ cơ động vào gần đám cháy, những chỗ mà xe lớn không thể tiếp cận. Sau khi phun hết nước thì nhanh chóng quay ra xe bồn đậu gần đó, tiếp nước. Chỉ vài phút là có thể quay lại khu vực cháy. Và, đội quân vận hành những thiết bị chữa cháy này đều là người dân địa phương, được ông “tuyển” kỹ với các tiêu chí: khỏe mạnh, gan dạ và nhanh nhẹn. “Thiết bị tốt đến đâu mà không có nước thì cũng vứt. Vì thế, chúng tôi đã hoàn thành gần 20 hầm chứa nước dung tích 200m3, nằm rải rác trong rừng. Tôi nghĩ nếu không may có sự cố hỏa hoạn rừng, chúng tôi sẽ xử lý tốt”, ông Bảy cho biết.
Còn đây là chiếc xe máy chữa cháy, sáng kiến của Hạt Kiểm lâm Bù Đốp
“Về hưu rồi mà tỉnh có dự án, muốn “khai tử” một khu rừng nghèo kiệt nào đó như vừa rồi, chú có tiếp tục đấu tranh không?”, tôi hỏi. Ông đáp liền: “Có chứ. Khi về hưu rồi, tiếng nói của mình sẽ khác đi, nhưng không phải là không có cách. Chỉ cần mình còn tâm huyết, còn yêu rừng”. Tôi hỏi tiếp: “Như vậy là chú đã có những phương án chuẩn bị cho lúc đó?”. “Đúng. Dù về nhưng nếu tỉnh có những dự án gây tổn hại đến rừng, trong khi giá trị mang lại không có, hoặc quyền lợi đó chỉ mang lại cho tư nhân, thì lúc đó tôi có người dân, sát cánh đấu tranh cùng. Tôi đã đã xây dựng một mạng lưới quần chúng ở địa phương để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng rồi. Chứ trông vào lực lượng chuyên trách của nhà nước thì… thua. Ở đây bảo vệ rừng không phải là kiểm lâm, không phải Nông lâm trường, bảo vệ, mà là người dân địa phương”.
Còn nỗi đau nào hơn thế!
Khi kể về rừng, về công tác bảo vệ, ông Bảy Ách nói không dứt với tất cả sự sôi nổi, hào hứng. Nhưng khi dẫn chúng tôi vào đến khu vực rừng bị cắt hồi tháng 7 vừa qua ở khoảnh 1, TK69, rừng Bù Đốp, nét mặt ông Hạt trưởng hay cười bỗng chùng xuống, khắc khổ hơn. Khóe mắt người đàn ông 60 tuổi như có nước. Sau 3 tháng, “máu” của cây rừng dù đã khô, đóng vảy dưới gốc, nhưng vẫn còn mới lắm. Một vài cây khác như vẫn còn “đau”, chưa chịu khô vết cắt, vẫn rỉ ra những dòng nhựa cuối cùng. Trong đó, không ít gốc có đường kính 40 – 50cm. Hai bàn tay xiết chặt, ông Bảy Ách nói, giọng ngắt quãng, thoảng trong tiếng gió ù ù giữa “cánh đồng” trống trải: “Mấy chục năm chúng tôi gắn bó với rừng, giữ rừng còn hơn cả bản thân mình, rừng thở thì tôi thở. Sau khi rừng bị cắt 129ha, cả tuần liền tôi nuốt cơm không nổi. Đêm đến cứ trằn trọc không ngủ được. Tôi không đủ can đảm ra hiện trường để nhìn những cây rừng ngã xuống. Cả tháng sau tôi mới dám đến xem lại hiện trường. Dù ở nhà đã hình dung ra, nhưng khi đến, vẫn phải dụi mắt mấy lần, tưởng mình nằm mơ. Xót xa lắm”.
Đây là khu rừng khộp có tuổi đời hơn 20 năm tại khoảnh 2, TK69 bị đánh giá là “nghèo kiệt”. Nên nếu không bị ngăn chặn thì nơi này sẽ chỉ còn là “bình địa” chứ không còn cây
Rời khoảnh 1, chúng tôi đến khoảnk 2, TK69, nơi mà anh Trọng, kiểm lâm viên bảo rằng: “Nếu chú Bảy không kiên quyết ngăn chặn thì bây giờ chúng ta đang đứng giữa trời y như bên khoảnh 1”. Tại đây, tôi thấy cây rừng có mật độ khá dày, nhưng đường kính chỉ từ 20 – 30cm. Ngay chỗ chúng tôi đứng, có hàng chục chủng loại cây. Đây chính là nơi ông Bảy Ách đang xây dựng dự án du lịch sinh thái, tham quan. Thật xót xa nếu khu rừng đẹp thế này lại bị san bằng để chăn nuôi. “Người ta đánh giá rừng nghèo dựa trên các tiêu chí như: phải có từ 100 khối gỗ/ha rừng mới được coi là rừng không nghèo, được giữ lại, khoanh nuôi. Mà gỗ phải có đường kính từ 30cm trở lên. Cho nên, một ha rừng có khi có cả ngàn cây gỗ, nhưng đường kính không đạt nên không đo, không tính. Ví dụ ngay chỗ chúng ta đang đứng, mật độ cây rất nhiều, nhưng khối lượng không có. Nếu tính theo tiêu chí này thì khu vực này là rừng nghèo kiệt. Họ đâu biết khu rừng khộp này cũng đã có tuổi đời hơn 2 chục năm, thì những cây dầu đồng, cà trắc, da đá, giáng hương mới được như vậy. Bởi thế cho nên, ở trên đâu có biết, khi xem kết quả đo đếm, thấy 1ha có 20 khối gỗ, nghèo quá, bỏ đi. Đây là tiêu chí rất nguy hiểm, nhiều cánh rừng ở Bình Phước đã bị hạ vì những tiêu chí này. Tôi đã từng đấu tranh, kiến nghị là không dựa vào khối lượng gỗ để đánh giá rừng nghèo mà nên dựa vào các tiêu chí như mật độ cây, khả năng phát triển, đa dạng loài… nhưng không được”, ông Bảy Ách nói trong tiếc nuối, xót xa.
Đây là khu rừng khộp có tuổi đời hơn 20 năm tại khoảnh 2, TK69 bị đánh giá là “nghèo kiệt”. Nên nếu không bị ngăn chặn thì nơi chúng tôi đứng chỉ là “bình địa” chứ không còn cây như thế này
Nghe ông Bảy Ách thao thao kể về rừng, cảm giác như ông có thể nói suốt ngày không hết. Nghe ông nói mới thấy, 2/3 cuộc đời gắn bó với rừng của ông, có biết bao nhiêu kỷ niệm, vui buồn, vất vả, mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu, đều có cả. Có lẽ, màu xanh của rừng chính là lẽ sống, là hạnh phúc, là “máu thịt” một đời của ông. Vì thế, tôi cảm nhận được nỗi đau của ông khi chứng kiến cảnh những cây rừng ngã xuống mà không làm được gì. “Khi cây rừng bị cắt, tôi cảm giác như da thịt mình đang bị cắt vậy”, ông nói. Trên đường từ TK69 trở ra, ông Bảy trầm ngâm: “Cuối tháng 12 này tôi về hưu, nhưng tôi sẽ vẫn gắn bó với rừng và sẽ bảo vệ rừng bằng tất cả khả năng mình có. Khi nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng muốn “về với đất rừng”.
“Chúng tôi có thể ngăn chặn triệt để lâm tặc phá rừng, hay người dân lấn rừng trái phép. Nhưng với quyết định của chính quyền, nhân danh dự án thì đành bất lực. Chuyện phá rừng lâu nay chúng ta vẫn “đổ” hết cho lâm tặc, nhưng chẳng ăn thua gì so với kiểu phá rừng hợp pháp dưới mác “dự án”. Để kết luận rừng nghèo, cần có đánh giá khách quan từ nhiều cơ quan, nhà khoa học và dựa trên nhiều tiêu chí. Chứ không nên căn cứ vào đánh giá độc lập của đơn vị nào, nhất là chủ rừng và doanh nghiệp xin dự án”, ông Bảy Ách...
Nguồn: nongnghiep.vn