Vài ngày qua nhiều người dân huyện An Phú, An Giang đến kéo nhà ông Trần Văn Hổ, 42 tuổi để xem con gà trống “độc nhất vô nhị” có đặc điểm của cả gà trống và gà mái.

Gà nửa trống, nửa mái ở An Giang là hiện tượng cá thể lưỡng tính - Ảnh 1.

Cận cảnh thân, màu sắc của con gà ‘lưỡng tính’

Do nhiều người hiếu kỳ tìm đến, ông Hổ phải đem gà úp vào bội “giấu” đi, người quen ông mới cho xem. Có người đã trả giá 6 triệu đồng để mua con gà này nhưng ông chưa đồng ý bán.

Ông Hổ cho biết mình chuyên nuôi gà, bồ câu… đã hơn 15 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy con gà trống nào “lạ hoắc” như thế. Nó nở ra từ một quả trứng to gần gấp đôi so với trứng gà ta bình thường. Từ khi nở ra đến nay đã được gần 10 tháng, con gà đã nặng 2,9kg.

Điều lạ là con gà này có màu lông chia làm hai – một bên xanh đậm, bên kia vàng bông như lông gà mái. Chân thì một bên màu xanh có cựa và một bên màu vàng nhạt không cựa. Phần tích gà (phía dưới cổ gà) một bên có tích và một bên không.

Trên mặt gà thì một bên đỏ và một bên trắng. Mồng gà thì bên có bên không. Dường như con gà này là sự “tích hợp” của hai con gà một trống một mái.

Gà nửa trống, nửa mái ở An Giang là hiện tượng cá thể lưỡng tính - Ảnh 2.

Cận cảnh đôi chân của gà ‘lưỡng tính’ thể hiện một bên mái, một bên trống

“Con gà này tôi chỉ cho ăn lúa và thức ăn, uống nước phải là nước lọc, nước dơ nó không chịu uống. Tắm cũng phải tắm nước lọc mới được. Mấy lần tôi tắm bằng nước đã qua sử dụng thì gà bị bệnh hết mấy ngày liên tục”, ông Hổ kể về con gà kỳ lạ của mình.

“Nó ít gáy nữa. Lâu lâu gần 10 ngày hoặc một tháng nó mới gáy một lần với hai loại tiếng khác nhau. Nó ít đá nhau nhưng lại có biểu hiện của làm ổ sinh sản”.

Anh Trịnh Văn Liêu, chuyên “săn” gà đá gần 20 năm nhưng chưa thấy con gà trống nào lạ như con gà này. “Gà trống một bên có cựa một bên không cựa là bình thường, đằng này nó lại chia đôi từ trên xuống dưới đồng bộ hết như vậy thì chưa thấy bao giờ”, anh Liêu nói.

TS Nguyễn Thế Thao – trưởng bộ môn chăn nuôi ĐH An Giang – nhận định đây có thể là hiện tượng cá thể lưỡng tính (bilateral gynandromorph) trên động vật.

Hiện tượng này được ghi nhận trên bướm, tôm, chim, gà… tuy nhiên rất hiếm gặp (tỉ lệ 1/10.000-1/1.000.000).

Gà nửa trống, nửa mái ở An Giang là hiện tượng cá thể lưỡng tính - Ảnh 3.

Người dân rất tò mò về con gà nửa trống nửa mái này

Hiện tượng này khá gây tranh cãi trong giới chuyên môn, đa số cho rằng đây là lỗi trong kết hợp các nhiễm sắc thể giới tính.

Cụ thể ở gà là kết hợp giữa tinh trùng có đồng hợp nhiễm sắc thể ZZ và trứng có dị hợp nhiễm sắc thể ZW.

“Nếu phôi gà mang cặp nhiễm sắc thể ZW đang trong quá trình phát triển mà một tế bào bị mất đi nhiễm sắc thể W (tức là chỉ còn lại nhiễm sắc thể Z) thì tế bào đó sẽ thiếu gene để hình thành một con gà mái. Do vậy con gà sẽ phát triển phần đặc tính của con trống”, ông Thao giải thích.

“Nếu tế bào đó được nhân lên, tất cả nhóm tế bào được hình thành từ nó sẽ đều mang nhiễm sắc thể Z tạo ra con trống. Trong khi đó, những tế bào khác trong phôi vẫn mang nhiễm sắc thể gà mái, dẫn đến việc nở ra một con gà lưỡng tính với một nửa trống (mang nhiễm sắc thể Z thay vì ZZ) và một nửa mái (mang nhiễm sắc thể ZW)”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : an gianggà lưỡng tínhnhiễm sắc thểnhiễm sắc thể giới tínhZWZZ

Các tin liên quan đến bài viết