Ba năm qua, ngành chăn nuôi gà trong nước thua lỗ liên tục và đang đứng trước nguy cơ phá sản do thịt gà nhập khẩu.

Liên tục thua lỗ, nhiều trang trại ngừng chăn nuôi gà lông trắng. Trong ảnh: một trại chăn nuôi gà lông trắng ở Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Liên tục thua lỗ, nhiều trang trại ngừng chăn nuôi gà lông trắng. Trong ảnh: một trại chăn nuôi gà lông trắng ở Đồng Nai 

Thiếu hàng rào kỹ thuật ngăn nhập khẩu nội tạng và phụ phẩm gà đông lạnh trong khi kiểm soát nhập khẩu gà sống qua các cửa khẩu cũng còn nhiều kẽ hở khiến ngành chăn nuôi thua lỗ kéo dài không có thời gian hồi phục.

Nghỉ nuôi đến 90%

Chị Thanh (ngụ ấp 7, xã Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai) cho hay khu vực xã Bình Sơn trước đây được xem là “thủ phủ” gà thả vườn của toàn tỉnh với tổng đàn hơn 1,2 triệu con. Tuy nhiên, sau hơn hai năm giá gà luôn dưới giá thành khiến người chăn nuôi lỗ nặng, buộc phải giảm đàn và treo chuồng.

“Trước đây hầu như hộ dân nào cũng nuôi từ vài ngàn đến hơn chục ngàn con gà thả vườn, nhưng hiện nay 9/10 hộ dân đã ngừng nuôi”, chị Thanh nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay ba năm trở lại đây giá gà lao dốc trong khi giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thang tăng đều hằng năm làm người chăn nuôi thua lỗ nặng. Do đó, họ buộc phải giảm đàn, chuyển đổi sản xuất.

Hiện hầu hết người chăn nuôi gà nhỏ lẻ đã ngừng chăn nuôi, một số trang trại lớn thì chuyển sang nuôi gia công cho các công ty FDI.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho biết nhiều công ty chăn nuôi lớn cũng phải thu hẹp sản xuất, có công ty tự nuôi để xuất khẩu, làm ăn mang tính chất chờ thời giữ thương hiệu, chứ không phải thương mại.

Gà nhập ồ ạt tràn về

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), giá bán gà ta suốt cả năm 2022 và quý 1-2023 đều thấp hơn giá thành sản xuất từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, thậm chí tháng 2 và tháng 3-2023, giá bán thấp hơn từ 13.000 – 16.000 đồng/kg. Còn giá thành sản xuất gà công nghiệp khoảng 29.000 đồng/kg nhưng chỉ bán ra 23.000 – 24.000 đồng/kg.

Nguyên nhân dẫn đến “thảm cảnh” của ngành chăn nuôi gia cầm trong nước hiện nay chính là gà nhập khẩu quá nhiều và quá rẻ.

Theo số liệu thống kê của VIPA, năm 2021 Việt Nam nhập khoảng 225.000 tấn thịt gia cầm đã qua giết mổ. Năm 2022, nhập khoảng 246.000 tấn. Ba tháng đầu năm nay, nhập khẩu khoảng 47.000 tấn. Trong đó, năm 2022 Việt Nam nhập khẩu 100.441 tấn đùi gà. Quý 1-2023, Việt Nam nhập 16.584 tấn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch VIPA, cho biết thêm đó là chưa kể lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 – 250.000 tấn/năm. “Như vậy, lượng thịt gà nhập khẩu hằng năm chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước, điều này gây áp lực lớn đối với tiêu thụ sản phẩm gia cầm nội địa” – ông Sơn chia sẻ.

Sớm nâng cấp hàng rào kỹ thuật

Từ thực tế trên, ông Sơn kiến nghị các bộ ngành liên quan phối hợp với các hiệp hội ngành hàng xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh đối với thịt nhập khẩu, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm sản xuất trong nước.

“Với sự nhập khẩu ồ ạt sản phẩm thịt gà đông lạnh, thậm chí gà nguyên con chặt đầu, chặt cánh từ Hàn Quốc như hiện nay thì không doanh nghiệp nào có thể trụ được” – ông Sơn nói và cho rằng chúng ta đang dễ dãi trong việc cho phép các sản phẩm gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt và trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với sản phẩm thịt nhập khẩu có sử dụng Ractopamine, Cysteamine tại 26 quốc gia, đó là Mỹ, Úc, Canada, Brazil, Indonesia, Malaysia, Mexico, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan…

Trong khi ở trong nước cấm người chăn nuôi sử dụng hai loại hormone trên cho gia súc, gia cầm. Do vậy, Việt Nam cũng phải cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng Ractopamine, Cysteamine để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi trong nước.

* Ông Tống Xuân Chinh (phó cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ NN&PTNT):Tăng cường liên kết để giảm giá thành

Từ người bán giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối phải cùng liên kết với nhau theo chuỗi để giảm giá thành ít nhất 10%. Đây là yếu tố quan trọng nhất và khả thi nhất ngay lúc này. Ngoài ra, chúng ta vẫn cần nâng cao hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ sản phẩm gia cầm không đáp ứng được an toàn thực phẩm, có nguy cơ rủi ro về sức khỏe cho con người.

* Việt Nam đã tham gia thị trường quốc tế nên không thể “bế quan tỏa cảng”. Việc đàm phán, mở cửa cho các nước xuất khẩu gia cầm vào Việt Nam đều không dưới 2 năm. Khi đàm phán Cục Thú y đưa ra hàng rào kỹ thuật rất cao.

Ông Nguyễn Văn Long (cục trưởng Cục Thú y – Bộ NN&PTNT)

* Một container thịt gà nhập khoảng 45 tấn, 5 tấn hàng “làm màu” để ngoài cửa, 40 tấn để trong thì không có ngành nào chui vào đó để kiểm tra?

Ông Nguyễn Văn Ngọc (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ)

* Việc nhập khẩu các sản phẩm gia cầm được Bộ NN&PTNT làm rất chặt chẽ để bảo vệ chăn nuôi trong nước. Không có chuyện dễ dãi trong việc cho phép các nước xuất khẩu gia cầm vào Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

* Nội tạng nhập đông lạnh như lòng, mề, cánh đùi quá hạn… như rác thải từ các nước, vì thế giá vô cùng rẻ mà lại tự do nhập về. Tôi thấy sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý bị “loạn”, chưa có giải pháp chặt chẽ. Điều này bóp chết các công ty lớn, nhỏ trong nước.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ)

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chăn nuôi gàngành chăn nuôi

Các tin liên quan đến bài viết