Ngày 10/4, Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) chính thức công bố cuộc thi FPT Edu Hackathon mùa đầu tiên, dành cho sinh viên CNTT, với mức giải thưởng khủng lên tới gần 200 triệu đồng.

Nhằm khuyến khích tính sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ để giải bài toán thực tiễn của sinh viên, FPT Edu Hackathon mùa đầu tiên đã chọn đề thi là Mạng lưới kết nối vạn vật (IoT).

Cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. Theo đó, đặc trưng thú vị nhất của FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi thách thức các thí sinh phát triển một sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn, cạnh tranh về tốc độ, độ sáng tạo và tính hoàn thiện của ứng dụng. Sản phẩm cuối cùng đem ra tranh tài chính là ứng dụng được đội thi phát triển trong 48 giờ đồng hồ “marathon” không nghỉ. Thí sinh có thể chuẩn bị ý tưởng hoặc bản thiết kế trước nhưng toàn bộ khâu lập trình phải được thực hiện trong thời gian cuộc thi diễn ra.

Để khởi động cho mùa giải đầu tiên, FPT Edu Hackathon 2018 chọn đề bài với cảm hứng từ cuộc Cách mạng CN 4.0; trong đó yêu cầu các đội tham gia phát triển ý tưởng nhằm tạo ra những ứng dụng để đưa Mạng lưới Vạn vật kết nối (IoT) vào trong các lĩnh vực, giúp người dùng có trải nghiệm về sức mạnh công nghệ nâng tầm cuộc sống.

Với FPT Edu Hackathon, các thí sinh sẽ thi đấu theo đội, mỗi đội gồm 3-4 người. Cuộc thi có 2 bảng đấu với hệ thống giải thưởng riêng biệt và trải qua 3 vòng thi: vòng ý tưởng, vòng sơ loại và vòng chung kết.

Trong vòng ý tưởng, BGK sẽ đánh giá năng lực các đội dựa vào ý tưởng dự thi và kết quả thi trên Codefights, nhằm chọn ra 26 đội bước vào vòng sơ loại. Các đội này sẽ tham gia phỏng vấn để chọn ra 14 đội có ý tưởng và khả năng áp dụng công nghệ tốt nhất bước vào vòng chung kết. Vòng chung kết là nơi thi tài của 14 đội đến từ 2 bảng thi đấu, cùng nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong thời gian 48 tiếng không nghỉ. Sau đó, các đội sẽ thực hiện demo sản phẩm và thuyết trình sản phẩm trước BGK.

Đánh giá sản phẩm của các đội thi là đội ngũ BGK gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin. BGK sẽ chấm điểm theo tiêu chí: ý tưởng tốt, có tính sáng tạo và đột phá (20%); mức độ hoàn thiện của sản phẩm gồm code và demo (50%); tính ứng dụng vào thực tiễn (20%); khả năng ứng dụng rộng rãi (10%). Ngoài việc đánh giá chất lượng sản phẩm, các chuyên gia còn có vai trò như cố vấn chuyên môn, tham gia định hướng và hỗ trợ các đội trong thời gian diễn ra cuộc thi.

“FPT Edu Hackathon thể hiện rất rõ tinh thần đào tạo của Tổ chức Giáo dục FPT, vừa có kiến thức về công nghệ, vừa có khả năng vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Chúng tôi trông đợi sinh viên của mình giải được những bài toán nhỏ bé, trước khi đào sâu những kiến thức hàn lâm; cũng như trông đợi các em làm ra được sản phẩm thực trong thời gian giới hạn, vì đó là những yêu cầu thực tế các em phải đối mặt khi bước ra khỏi cổng trường. Nếu gọi FPT Edu Hackathon là sân chơi, thì đó là sân chơi thực tế và đầy thách thức, cũng là một lớp học đặc biệt mà chúng tôi hy vọng SV mình vượt qua để thực sự biết mình là ai, và học hỏi từ chính bạn bè mình.”, ông Phan Trường Lâm, Trưởng ban Công nghệ của cuộc thi cho biết.

Ông Phan Trường Lâm cũng chia sẻ thêm, đây dự kiến sẽ trở thành cuộc thi thường niên của Tổ chức Giáo dục FPT, và các năm tiếp theo có thể mở rộng cho sinh viên các trường cùng tham gia, tăng tính giao lưu học hỏi lẫn nhau.

Được biết, để tham gia FPT Edu Hackathon 2018, ngoài đam mê công nghệ, các đội thi còn cần có kiến thức về các ngôn ngữ lập trình, sử dụng platform, thiết kế giao diện phần mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình sản phẩm…

Tổng giá trị giải thưởng FPT Edu Hackathon 2018 lên đến 200 triệu đồng trong đó có 183 triệu đồng tiền mặt. 2 đội giải Nhất ở mỗi bảng sẽ nhận được phần thưởng trị giá 30 triệu đồng gồm cơ hội tham quan và học tập tại Singapore. 2 đội giải Nhì nhận 20 triệu đồng, 2 đội giải Ba nhận 10 triệu đồng, 2 đội giải Khuyến khích nhận 5 triệu đồng và 2 đội giải Khán giả bình chọn nhận 3 triệu đồng. Các giải thưởng đều đi kèm quà tặng từ BTC và các nhà tài trợ.

Từ ngày 10/4, các đội thi có thể đăng ký tham gia FPT Edu Hackathon 2018 tại website cuộc thi: http://fpt.edu.vn/hackathon2018

Vòng chung kết cuộc thi diễn ra trong 2 ngày 9-10/6 tại campus Hoà Lạc, Hà Nội của Tổ chức Giáo dục FPT.

Đề thi FPT Edu Hackathon 2018 lấy cảm hứng từ Cách mạng CN 4.0 và Mạng lưới kết nối vạn vật IoT:

Ngày nay, trong thời đại của Cách mạng 4.0, con người đã có thể đưa công nghệ vào mọi nẻo của cuộc sống, khiến mọi thứ trở nên thông minh hơn và kết nối vạn vật chỉ trong vài dòng code. Con người đã tiến rất gần đến đời sống được bao phủ bởi trợ giúp của công nghệ, với những trường học thông minh, hệ thống y tế thông minh, hệ thống bảo mật thông tin thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, nhà xưởng thông minh, văn phòng thông minh…

Bằng kiến thức của mình, bạn hãy phát triển ý tưởng nhằm tạo ra những ứng dụng để đưa Mạng lưới Vạn vật kết nối (IoT) vào trong các lĩnh vực, giúp người dùng có trải nghiệm về sức mạnh công nghệ nâng tầm cuộc sống.

Thông tin chi tiết về chương trình: http://fpt.edu.vn/hackathon2018

Hackathon là một sự kiện mà các lập trình viên, cùng những người liên quan trong ngành phát triển phần mềm như các nhà thiết kế đồ họa, thiết kế giao diện, quản lý dự án sẽ hợp tác với nhau trong thời gian ngắn để hoàn thành một dự án phần mềm.

Hackathon đã trở thành một trào lưu trong những năm gần đây, được giới công nghệ yêu thích. Sự căng thẳng, tập trung của đặc trưng của các cuộc thi theo mô hình này đôi khi giúp tạo ra những sản phẩm rất giá trị. Nút Like và chức năng Chat của Facebook đều là sản phẩm của những cuộc thi Hackathon trong nội bộ công ty. Một sản phẩm từ hackathon khác cũng rất thành công là GroupMe – ứng dụng chat được Skype mua lại với giá 80 triệu USD vào năm 2011.

 

Nguồn Dân Trí

Từ khóa : sản phẩm công nghệSinh viên CNTTứng dụng công nghệ

Các tin liên quan đến bài viết