Công ty F88 được thành lập vào năm 2013, có mạng lưới 830 chi nhánh trên toàn quốc, cung cấp không chỉ dịch vụ cho vay cầm cố mà còn phân phối bảo hiểm, thanh toán và chuyển tiền.
Công an khám xét một phòng giao dịch của Công ty F88 trên đường Trần Quang Khải, quận 1
F88 cho biết định hướng là cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho những khách hàng dưới chuẩn (tức không có đủ điều kiện vay ngân hàng) và các doanh nghiệp siêu nhỏ chưa đáp ứng được các yêu cầu vay vốn của ngân hàng.
Đây cũng là chuỗi cầm đồ có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.
Năm 2017-2018, F88 đã gọi thành công vòng gọi vốn đầu tiên (serie A) từ Quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng tiếp theo (serie B) từ Quỹ Granite Oak liền sau đó.
Năm 2022, F88 tiếp tục nhận được khoản huy động 70 triệu USD từ các quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London).
Cũng trong năm 2022, F88 được FiinRatings xếp hạng tín nhiệm BBB – (Ổn định) và được Trung tâm Tài chính toàn diện (Center for Financial Inclusion – trước đây tên là The Smart Campaign) xếp hạng và cấp Chứng chỉ Bảo vệ khách hàng ở mức cao nhất trong giai đoạn 2022-2025.
Ngày 2-3 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư F88 (F88) thông báo đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỉ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư chính là Quỹ Việt Nam – Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). F88 đặt mục tiêu IPO vào năm 2024, khi đạt 1.400 chi nhánh và vốn hóa thị trường đạt 1 tỉ USD.
Cuối năm 2021, chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 đã bắt tay với Thế Giới Di Động cho vay tiền mặt. Hạn mức vay tối đa cho dịch vụ này là 10 triệu đồng/giao dịch, tiền gốc và chi phí vay được trả đều trong vòng 12 tháng với chi phí vay 7,5%/tháng, phí phạt tất toán sớm trước hạn là 5% nhân số tiền gốc còn lại.
Phí phạt quá hạn là 50.000 đồng mỗi ngày và tối đa không quá 150.000 đồng trên một kỳ quá hạn.
Nhiều ý kiến cho rằng mức lãi suất cho vay như công bố là quá cao, vì 7,5%/tháng tương đương 90%/năm. Phí phạt quá hạn 50.000 đồng/ngày và không quá 150.000 đồng/kỳ quá hạn cũng là cao. Phía F88 cho rằng hiện các công ty tài chính cũng đang cung cấp các khoản cho vay tiền mặt với gói trung bình 30-70 triệu đồng, chi phí vay gồm cả lãi suất từ
60-75%/năm. Tuy nhiên, để đủ điều kiện vay tiền mặt của các công ty tài chính không dễ dàng, nhất là người có thu nhập thấp.
Chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 thuộc Công ty F88 là doanh nghiệp hoạt động do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy phép, với loại hình dịch vụ cầm đồ. Doanh nghiệp này không hoạt động theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện có nhiều công ty tài chính hoặc công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính thành lập theo Luật doanh nghiệp do sở kế hoạch và đầu tư các địa phương cấp phép, không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Nhiều điểm kinh doanh của F88 ở TP Thanh Hóa đã bị xử phạt
Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã tổ chức kiểm tra hành chính đối với bảy chi nhánh, cơ sở kinh doanh cầm đồ của Công ty F88 trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Ngày 6-3, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đây là các hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch của giám đốc Công an tỉnh về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, hụi, phường…
Công an TP Thanh Hóa kiểm tra một điểm kinh doanh của Công tyF88 tại TP Thanh Hóa hồi tháng 1-2023
Qua kiểm tra hành chính, Công an TP Thanh Hóa đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty F88 tại các phường Tân Sơn, Điện Biên, Ba Đình, Quảng Tâm, Đông Sơn, Đông Thọ… vì vi phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội như: lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ; nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản.
Căn cứ các biên bản vi phạm hành chính do Công an TP Thanh Hóa lập, UBND TP Thanh Hóa đã có các quyết định xử phạt hành chính đối với các điểm kinh doanh số 1, số 4, số 7, số 10, số 15, số 26… của chi nhánh Công ty F88 tại Thanh Hóa với mức phạt từ 15-18 triệu đồng, tổng số tiền xử phạt là 108 triệu đồng.
Từ nghiên cứu các hợp đồng cầm cố của các điểm kinh doanh cầm đồ của Công ty F88 trên địa bàn TP Thanh Hóa có thể thấy tuy lãi suất cầm cố và lãi suất cho vay đều nằm trong hạn mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho phép, nhưng trong quá trình làm thủ tục, các cơ sở này luôn yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản phí như: phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), phí quản lý tài sản cầm cố (dao động từ 2-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản), phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo…
Với cách đặt ra các khoản thu để tính phí nêu trên, tổng số tiền phí và lãi mà khách hàng có nhu cầu vay tín dụng phải trả rất cao.
Mặc dù có tính phí quản lý tài sản cầm cố nhưng các điểm kinh doanh cầm đồ của Công ty F88 trên địa bàn TP Thanh Hóa lại không thực hiện trách nhiệm lưu giữ tài sản cầm cố tại kho bãi bảo quản đã đăng ký với cơ quan công an, mà xây dựng các điều khoản cho khách hàng thuê, mượn lại (có tính phí) đối với chính tài sản đã cầm cố.
Đối với các khách hàng trả tiền gốc sớm so với thời hạn trong hợp đồng thì các cơ sở đã tính phí rất cao.
Nguồn: tuoitre.vn