Ngày 9/12, TP.HCM có 473 F0 là trẻ em đang điều trị tại các bệnh viện. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp đang được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đa số trẻ mắc Covid-19 không nghiêm trọng. 

Đầu tháng 12, chị Nguyễn Thị K.(32 tuổi) ký vào tờ giấy trước khi vào khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Cậu con trai 5 tuổi vừa trở thành F0 phải nhập viện điều trị. Vì có sẵn bệnh tim trong người, cậu bé tiến triển nặng, được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Nghiêm trọng hơn, bé N.V.M 9 tuổi bị thừa cân, lại bị “cơn bão cytokine” tấn công sau khi mắc Covid-19. Lúc nhập viện, da bé tím tái, độ bão hòa oxy thấp, huyết áp, mạch không ổn định. Cậu bé phải chạy ECMO nhiều ngày mới qua nguy kịch, dần hồi phục và được xuất viện.

F0 trẻ em tại TP.HCM tăng, nhóm có bệnh nền cẩn trọng
Một bé trai mắc Covid-19 nặng tại Khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM

Tuy nhiên, những trường hợp nặng như trên chiếm số lượng rất ít trong số bệnh nhi đang điều trị. Phần lớn các trẻ có triệu chứng nhẹ, khỏi bệnh sớm. Tình trạng nguy kịch xảy ra chủ yếu ở các bé có bệnh nền, cấp cứu muộn.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, tháng vừa qua chỉ khoảng 60-70 bệnh nhi, thì  nay khoa đã có gần 200 bệnh. “Có dấu hiệu tăng nhẹ các ca F0 là trẻ em”, BS Việt nhận định.

Riêng phòng cấp cứu của khoa hiện có 17 trường hợp đang chuyển nặng cần theo dõi sát, trong đó 5 bé thở máy, 1 bé đang chạy ECMO.  Những ca chuyển nặng chủ yếu có bệnh nền, chuyển viện quá trễ, thừa cân, béo phì, tiểu đường, bại não… phải can thiệp tích cực.

Tại đây hiện có khoảng 30 bệnh nhi dưới 12 tháng tuổi. Các bác sĩ cho biết, nguồn lây rất đa dạng, khó xác định. Đa số các bé được phát hiện mắc Covid-19 trong lúc sàng lọc tại bệnh viện để khám một bệnh lý khác.

“Tuy bệnh viện chuyên về nhi nhưng các bé còn quá nhỏ, cần có người thân chăm sóc. Có cha hoặc mẹ đã dương tính, cũng có trường hợp người nhà chấp nhận là F1 vào với các bé. Vì vậy khoa Covid-19 hiện điều trị cho cả người lớn và trẻ em”, bác sĩ Đỗ Châu Việt cho biết.

F0 trẻ em tại TP.HCM tăng, nhóm có bệnh nền cẩn trọng
F0 trẻ em tại Đơn vị điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Trong khi đó, Đơn vị điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng đang điều trị cho hơn 100 trẻ mắc bệnh. Số lượng trẻ nhập viện gần như tăng gấp đôi so với trước đó.

Do trẻ nhiễm bệnh tăng nên số trẻ chuyển nặng cũng đang có xu hướng tăng. Trong đó, trẻ bị suy thận mạn tính, hội chứng thận hư, bại não,… phải thở mask, thở máy.

Các bác sĩ khuyến cáo, trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, ai cũng có thể trở thành F0, trẻ em cũng vậy. Tuy nhiên, với trẻ em, nhiễm SARS-CoV-2 đa phần diễn tiến nhẹ nên phụ huynh không nên quá lo lắng. Riêng với trẻ có cơ địa bệnh lý đặc biệt, cha mẹ nên theo dõi sát các triệu chứng của trẻ, đưa bé đến cơ sở y tế thăm khám, phát hiện càng sớm, trẻ giảm nguy cơ tiến triển nặng.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng với Covid-19 mà bỏ qua cơ hội điều trị các bệnh lý khác ở trẻ. Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM thời gian qua đã tiếp nhận 2 trẻ bị sốc sốt xuất huyết nguy kịch, nhập viện trễ vì cha mẹ sợ đi khám bệnh sẽ mắc Covid-19. Sau khi được điều trị tích cực dài ngày, các bé may mắn qua khỏi.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc Covid-19 ở trẻ em đang tăng là do ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao.  Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ nhiễm virus nCoV từ người lớn.

Trong khi đó, thống kê từ khai báo của phụ huynh học sinh lớp 1, TP có khoảng 1.446 em đang cách ly, 2.781 học sinh đang mắc Covid-19. Nhiều cha mẹ không tránh khỏi tâm lý lo lắng khi ngày trở lại trường học đã gần kề.

F0 trẻ em tại TP.HCM tăng, nhóm có bệnh nền cẩn trọng
Bệnh nhi được cứu sống sau khi can thiệp ECMO cùng y bác sĩ Khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.

Theo kế hoạch của Sở Y tế TP.HCM, trẻ từ 3 – 11 tuổi có thể được tiêm vắc xin Covid-19 trong năm 2022. Tuy nhiên phải chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ Y tế. TP cũng vừa kết thúc 2 đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Thống kê cho thấy, có 709.645 trẻ đã được tiêm chủng, tăng hơn 7.481 em so với dự kiến ban đầu. Tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 đạt 96,6%, mũi 2 đạt 85,5%.

Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi được triển khai từ ngày 27/10 và kéo dài thành 2 giai đoạn, tương ứng với 2 mũi vắc xin trong liệu trình. Trẻ được tiêm vắc xin Pfizer theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các xã, phường sẽ tiếp tục rà soát để tiêm cho những trẻ chưa được chủng ngừa và trẻ vừa đủ 12 tuổi.

Tính đến ngày 8/12, TP.HCM ghi nhận hơn 482.000 ca Covid-19 được Bộ Y tế công bố.  Hơn 13.000 F0 đang điều trị, trong đó có 473 trẻ em dưới 16 tuổi, 412 bệnh nhân nặng thở máy, 13 F0 phải can thiệp ECMO.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bệnh nhân Covid-19Covid-19 TP.HCM

Các tin liên quan đến bài viết