Theo bác sĩ, F0 sức khỏe ổn định và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 là điều yên tâm. Tuy vậy, bạn vẫn nên theo dõi sức khỏe hàng ngày bởi người mắc Covid-19 khỏi bệnh vẫn có thể tái nhiễm.
Độc giả Văn Hùng (Bình Dương) hỏi: Thưa bác sĩ, mẹ tôi bị mắc Covid-19 cách đây 2 tuần. Hiện bà đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 sau khi test nhanh, sức khỏe bà ổn định. Tôi muốn hỏi bác sĩ có phải mẹ tôi âm tính là đã an toàn không? Liệu người có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 thì có thể có nguy cơ gì nữa không?
Về vấn đề này, Ths.Bs Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng, cho biết, khi mắc Covid-19, quan trọng nhất chính là sức khỏe ổn định. Các thống kê trên thế giới cho thấy có đến 81% ca nhiễm SARS-CoV-2 chỉ ở thể nhẹ và không triệu chứng, do vậy, dù có dương tính nhưng sức khỏe ổn định, bệnh nhân vẫn an toàn.
Bệnh nhân điều trị Covid-19 tại một bệnh viện. |
Nay mẹ bạn vừa ổn định và có kết quả âm tính, đây là điều yên tâm. Tuy vậy, bạn vẫn nên theo dõi sức khỏe của bà hàng ngày. Người đã âm tính với SARS-CoV-2 vẫn có thể tái nhiễm nhưng vì đã có kháng thể nên nếu nhiễm cũng chỉ ở thể nhẹ.
Ngoài ra, trong thời gian này, các F0 khỏi bệnh phải thực hiện việc cách ly tại nhà theo quy định. Đồng thời, F0 khỏi bệnh cần tự ý thức giữ an toàn cho mình và người thân bằng các biện pháp 5K như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa và sát khuẩn tay thường xuyên… Đồng thời, họ nên hạn chế tối đa các hoạt động ngoài cộng đồng mà không thật sự cần thiết để tránh lây nhiễm. Tiêm vắc xin ngay khi có thể, tự theo dõi sức khỏe nếu thấy bất thường thì thông báo ngay với các bác sỹ và cơ quan y tế.
Tương tự, TS.BS Phạm Lê Duy, giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM cũng khẳng định, một người đã từng nhiễm và khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 vẫn hoàn toàn có khả năng nhiễm lại.
“Thứ nhất, có thể người bệnh nhiễm một chủng khác. Thứ 2 khi họ nhiễm, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra không đủ lớn để bảo vệ họ không bị nhiễm lần nữa. Các nước trên thế giới đang khuyến cáo, dù người dân đã từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh nhưng sau khi hết bệnh, họ vẫn nêm tiêm vắc xin để đảm bảo chắc chắn bản thân được bảo vệ”, TS.BS Phạm Lê Duy nói.
Khi họ nhiễm Covid-19, dù không triệu chứng hoặc có triệu chứng, họ vẫn có khả năng lây cho người khác, làm lây lan dịch bệnh, nhất là trong những cộng đồng tiêm vắc xin còn ít và chưa có đủ số lượng người có miễn dịch như một số nơi ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài tiêm vắc xin, người từng nhiễm Covid-19 vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc phòng tránh lây nhiễm như những người khác. Bởi ngoài Covid-19, còn nhiều các tác nhân gây bệnh khác ở mũi họng của những người khác nhau.
“Sau khi khỏi bệnh, nếu đang chờ được tiêm vắc xin, họ càng phải cẩn thận hơn, không được chủ quan để bảo vệ bản thân và tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng”, TS.BS Duy nhấn mạnh.
Nguồn: vietnamnet