Theo kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại các khoa điều trị ở Bệnh viện hồi sức COVID-19 (Thủ Đức, TP.HCM), tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.
Bệnh nhân COVID-19 thở oxy dòng cao, trầm cảm đến 66%.
Cũng theo kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại các khoa điều trị ở Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) ở những bệnh nhân từng thở HFNC (thở oxy dòng cao) có tỉ lệ trầm cảm lên đến 66,7%.
Tương tự, những bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy cũng có tỉ lệ rối loạn lo âu cao tương đương.
Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy, chuyên gia trị liệu tâm lý Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt là những bệnh nhân nặng phải đối mặt với ba vấn đề lớn đó là trầm cảm, lo âu và hoảng loạn.
Nếu bệnh nhân có thể nói chuyện, trao đổi, chia sẻ… với những người xung quanh sẽ giúp bệnh nhân thoát khỏi ám ảnh tâm lý.
“Thông thường khi bệnh, người bệnh sẽ cần một người thân trong gia đình chăm sóc nhưng đối với những bệnh nhân COVID-19, hoàn toàn cách ly, không có người thân bên cạnh. Do vậy bệnh nhân rất dễ rơi vào trầm cảm, buồn, chán nản, không muốn ăn, nói chuyện với người khác”, tiến sĩ Thúy cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh, phụ trách Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh (TP.HCM), cho biết đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 đã có trầm cảm sẵn trước đó, dưới áp lực của bệnh tật làm tình trạng bệnh của bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn có thể dẫn đến hành vi nguy hiểm cho tính mạng.
“Đối với những người bệnh này, khi vào khu vực cách ly điều trị, người nhà phải lưu ý hơn cho bác sĩ về tình trạng bệnh của bệnh nhân thường xuyên, tránh trường hợp đáng tiếc. Bệnh nhân đang điều trị thuốc chống trầm cảm, trong quá trình điều trị cần lưu ý cho bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc. Sắp xếp cho bệnh nhân ở tại tầng trệt”, bác sĩ Thịnh nói.
Nguồn: tuoitre.vn