Các nhà lãnh đạo Liên minh châu ÂU (EU) cho hay, khối này sẽ tặng 200 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho những quốc gia có thu nhập thấp.
“Ưu tiên đầu tiên và cấp bách nhất của chúng tôi là tăng tốc việc tiêm chủng trên toàn cầu”, tờ Politico dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp hôm 15/9.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. |
“Chúng tôi đã cam kết chia sẻ 250 triệu liều vắc xin. Hôm nay, tôi có thể thông báo rằng ủy ban sẽ bổ sung khoản tài trợ 200 triệu liều vắc xin khác cho đến giữa năm sau”, bà Ursula von der Leyen nói.
Theo trang tin Yahoo News, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng lên tiếng ca ngợi việc tiêm chủng của EU, khi có khoảng 70% người dân trưởng thành của khối này đã được nhận hai mũi tiêm ngừa Covid-19.
Trung Quốc đẩy mạnh tiêm chủng cho học sinh trước nghỉ lễ
Tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 15/9 dẫn thông cáo của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, khoảng 91% học sinh trong độ tuổi từ 12-17 đã được tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19. Còn đối với các giáo viên và sinh viên trên 18 tuổi, thì tỷ lệ này đạt hơn 95%.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, dù dữ liệu trên cho thấy tình trạng tiêm chủng cho học sinh tương đối tích cực, nhưng các thầy cô và học sinh vẫn cần tăng cường công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Trung thu và nghỉ lễ quốc khánh sắp tới.
“Chúng tôi khuyến khích mọi người nên ở nhà trong dịp nghỉ lễ, trừ những trường hợp khẩn cấp”, quan chức Bộ Giáo dục Trung Quốc Wang Defeng nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, khuyến cáo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở thành phố Phủ Điền thuộc Phúc Kiến, Trung Quốc bắt nguồn từ một trường tiểu học hồi tuần trước. Trong đó, có ít nhất 20 học sinh dưới 12 tuổi nhiễm bệnh.
Ấn Độ cân nhắc nối lại xuất khẩu vắc xin
Theo hãng tin Reuters, việc Ấn Độ cân nhắc nối lại xuất khẩu vắc xin diễn ra trước thềm chuyến thăm Washington của Thủ tướng Narendra Modi. Vấn đề vắc xin sẽ được bàn luận trong hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các nước thuộc Bộ Tứ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
“Quyết định về việc xuất khẩu vắc xin đã được thảo luận xong. Ấn Độ muốn giúp đỡ châu Phi bằng cả vắc xin lẫn mô hình ứng phó dịch Covid-19”, một nguồn tin giấu tên cho biết.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Hãng tin Reuters cho biết, Ấn Độ trước khi ngừng xuất khẩu vắc xin đã bán và tặng 66 triệu liều cho gần 100 quốc gia.
Một số diễn biến khác về dịch bệnh
Cập nhật lúc 5h sáng ngày 16/9 của trang thống kê toàn cầu Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm virus cho hơn 227,1 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 4,6 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt hơn 203,8 triệu trường hợp.
Nhà chức trách Nhật Bản cho biết, họ đã phát hiện chất lạ trong 5 lọ vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược Pfizer tại hai thành phố gần thủ đô Tokyo và một thành phố thuộc tỉnh Osaka. Cụ thể, các lọ Pfizer chứa tạp chất xuất hiện ở 3 địa điểm tiêm chủng ở thành phố Sagamihara từ ngày 11 – 14/9, một địa điểm ở Kamakura vào ngày 12/9 và một điểm tiêm chủng ở thành phố Sakai hôm 14/9.
Theo tờ Japan Times, cả 3 thành phố nói trên đã yêu cầu Pfizer phân tích chất lạ. Họ tuyên bố đã không dùng các lọ vắc xin nhiễm bẩn, nhưng tiếp tục tiêm các liều Pfizer khác thuộc cùng lô vắc xin được xác nhận không bị lẫn tạp chất.
Nguồn: vietnamnet