Một quan chức hàng đầu EU cho rằng EU đã quá ngây thơ khi gia công phần lớn công việc thiết kế và sản xuất bán dẫn trong vài chục năm gần đây.

EU muốn giành lại ngôi vô địch bán dẫn sau thời gian ‘ngây thơ'
Ủy viên Công nghiệp châu Âu Thierry Breton phát biểu tại hội thảo sáng tạo Digital Life Design ngày 19/1/2020 tại Đức. 

Ủy viên Công nghiệp châu Âu Thierry Breton cho rằng có thể khắc phục tình trạng mất cân bằng trong sản xuất bán dẫn. Khủng hoảng chip toàn cầu đang ảnh hưởng tới các nhà cung ứng điện tử, nhà sản xuất xe hơi là bằng chứng cho thấy đã đến lúc hành động.

Ông Breton, cựu CEO hãng công nghệ thông tin Atos và nhà mạng France Telecom, nói muốn quay lại thị phần sản xuất bán dẫn như trước kia. Vài năm trở lại đây, hoạt động sản xuất bán dẫn của châu Âu giảm mạnh vì khu vực này “quá ngây thơ và cởi mở”, ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC) công bố chiến lược tăng gấp đôi thị phần sản xuất chip lên ít nhất 20% vào năm 2030. Chiến lược bao gồm thành lập liên minh các công ty bán dẫn và trung tâm nghiên cứu hàng đầu châu lục, cũng như chính phủ các nước. Ít nhất 22 quốc gia đã ký vào ý định thư.

Liên minh có vai trò quyết định biện pháp thúc đẩy thiết kế và sản xuất chip 20nm và 10nm. Đây đều là các loại chip tiên tiến hơn hầu hết chip đang sản xuất tại châu Âu. Cùng với đó, EU sẽ lên kế hoạch sản xuất chip thế hệ mới trước năm 2030. Các quan chức đang đặt mục tiêu sản xuất chip dưới 5nm đến dưới 2nm. Mục tiêu được đánh giá là tham vọng, thậm chí những công ty đầu ngành như TSMC (Đài Loan), Samsung Electronics (Hàn Quốc) cũng chưa đạt được.

Nhiều năm trước, châu Âu nắm phần lớn hoạt động sản xuất bán dẫn trên toàn cầu. Năm 1990, thị phần của châu Âu đạt khoảng 44% nhưng hiện chỉ còn gần 10%. Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm khoảng 60%, theo số liệu của Tập đoàn tư vấn Boston và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn. Các nhà thiết kế chip châu Âu như NXP Semiconductors, Infineon Technologies đều thuê TSMC và các công ty gia công khác sản xuất.

Theo Giám đốc Công nghệ và địa chính trị Jan-Peter Kleinhans đến từ tổ chức Stiftung Neue Verantwortung, những thương hiệu công nghệ tiêu dùng như Nokia, Ericsson sa sút là một phần nguyên nhân khiến chuỗi cung ứng dịch chuyển. Dù ngành xe hơi vẫn vững mạnh song lại đang bị thiệt hại do khan hiếm chip. Ford Motor cho biết phải tạm dừng sản xuất tại các nhà máy ở Đức vài tuần vì thiếu bán dẫn.

Khủng hoảng tô đậm sự phụ thuộc của châu Âu vào doanh nghiệp ngoại đối với nguồn cung quan trọng và thúc đẩy tham vọng tự cường trở lại. Song kế hoạch sản xuất chip dưới 5nm của họ tham vọng tới mức khu vực cần hỗ trợ từ những người chơi quốc tế như TSMC. Ông Breton thừa nhận muốn đạt được mục đích, tốt hơn nên làm cùng đối tác. Ông ví việc sản xuất chip dưới 2nm như “du hành tới mặt trăng”.

Intel ủng hộ kế hoạch của EU. Công ty hiện mở rộng dây chuyền sản xuất chip 7nm và cân nhắc xây dựng nhà máy đời mới nhất tại đây. Dù vậy, họ cũng gặp khó khăn trong việc hiện đại hóa sản xuất. CEO Pat Gelsinger tuần trước gợi ý cần hỗ trợ tài chính khủng từ chính phủ châu Âu. Phát ngôn viên Intel chỉ ra các công ty châu Á thường được tài trợ gần 40% chi phí xây dựng nhà máy mới, mất ít nhất 10 tỷ USD. Chưa rõ châu Âu sẽ đổ bao nhiêu tiền để lấy lại sức mạnh sản xuất chip.

Trên Financial Times, CEO Intel viết: “EU sở hữu một số nhà vô địch trong ngành bán dẫn nhưng đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ những quốc gia xem sản xuất chip là ưu tiên quốc gia”. Các chính phủ này đang cung cấp ưu đãi hào phóng dể thu hút sản xuất bán dẫn. “Châu Âu phải theo kịp mới có cơ hội cạnh tranh”, ông Gelsinger nêu ý kiến.

Nguồn:vietnamnet

Từ khóa : công nghiệp bán dẫnKhủng Hoảng Chipsản xuất chip\

Các tin liên quan đến bài viết