Hôm 26/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi kiện hãng dược AstraZeneca vì vi phạm hợp đồng cung cấp vắc-xin Covid-19 và không có một kế hoạch “đáng tin cậy” nào đảm bảo việc chuyển vắc-xin đúng hạn cho Liên minh châu Âu (EU).
Theo hợp đồng ban đầu, AstraZeneca có nghĩa vụ cung cấp 180 triệu liều vắc-xin cho EU trong quý 2/2021, trong tổng số 300 triệu liều dự kiến được chuyển giao từ tháng 12/2020 đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, đến ngày 12/3, AstraZeneca cho biết chỉ có thể đảm bảo khoảng 30% số vắc-xin dự kiến chuyển giao trong quý 2.
Người phát ngôn của EU Stefan De Keersmaecker cho biết, EC đã chính thức đệ đơn kiện AstraZeneca hôm 23/4, và tất cả 27 nước thành viên EU đều ủng hộ quyết định này. Ông Keersmaecker nêu rõ, AstraZeneca đã vi phạm một số điều khoản của hợp đồng và không có chiến lược để đảm bảo cung cấp vắc-xin kịp thời cho EU.
Ảnh |
Trong một phản ứng đầu tiên, phía AstraZeneca tuyên bố hành động pháp lý của EU là “không có cơ sở”, đồng thời khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình trước tòa án. Hãng dược có trụ sở tại Anh và Thụy Điển cũng khẳng định đã tuân thủ đúng hợp đồng cung cấp vắc-xin với EC.
Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, EU đã lên kế hoạch tiêm chủng từ rất sớm. Trong năm 2020, EU đặt hàng 2 tỷ liều vắc-xin Covid-19 từ 6 nhà sản xuất khác nhau, và con số này hiện tiếp tục tăng lên gần 3 tỷ liều, cho tổng dân số 450 triệu người của cả khối.
Sau hơn 3 tháng triển khai các chiến dịch tiêm chủng, EU hiện đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, chủ yếu do tiến độ bàn giao chậm trễ của AstraZeneca. Hãng dược này từng thừa nhận còn thiếu khoảng 60% trong tổng số 100 triệu liều vắc-xin dự kiến sẽ chuyển giao cho EU trong quý 1/2021, do năng suất của các nhà máy tại châu Âu.
Nước Đông Nam Á thứ 2 vượt mốc 1 triệu ca nhiễm Covid-19
Sau Indonesia, Philippines đã trở thành quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á có số ca mắc Covid-19 vượt mốc 1 triệu người. Bộ Y tế Philippines ghi nhận 8.929 ca nhiễm mới trong ngày 26/4, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên tới 1.006.428, trong đó có 16.853 ca tử vong, theo hãng thông tấn AP.
Giới chức y tế Philippines đang xem xét khả năng kéo dài lệnh phong tỏa ở khu vực thủ đô Manila để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều tác động tiêu cực. Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque III cho rằng, lệnh phong tỏa nên được kéo dài từ 1 đến 2 tuần.
Tuy nhiên, giới chức kinh tế Philippines cảnh báo tình trạng phong tỏa kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp và làm chậm đà phục hồi kinh tế. Theo dự báo của IMF, kinh tế Philippines sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 6,9% trong năm 2021.
Campuchia gia hạn phong tỏa thủ đô Phnom Penh
Campuchia sẽ gia hạn lệnh phong tỏa thêm 1 tuần tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao, để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. The Khmer Times đưa tin, để dễ kiểm soát dịch, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã chia thành phố thành 3 khu vực: “Vùng Đỏ”, “Vùng Da cam”, và “Vùng Vàng”.
Theo đó, “Vùng Đỏ” là khu vực mà dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng và sẽ được kiểm soát tối đa. “Vùng Da cam” là nơi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở mức trung bình, và “Vùng Vàng” là nơi nguy cơ lây nhiễm thấp.
Việc khoanh vùng các khu vực ở Phnom Penh sẽ do giới chức thành phố quyết định. Đối với thành phố Takhmao, quyết định này sẽ do lãnh đạo tỉnh Kandal đưa ra.
Lệnh phong tỏa ở Phnom Penh và thành phố Takhmao diễn ra sau khi số ca mắc Covid-19 mới ở Campuchia tăng vọt. Theo Khmer Times, Campuchia ghi nhận 580 ca nhiễm Covid-19 mới tính riêng trong hôm 26/4, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên tới 10.555, trong đó có 79 ca tử vong.
Hãng dược Nga sẽ cấp 1 triệu liều kháng sinh Remdesivir cho Ấn Độ
Ngày 26/4, hãng dược phẩm Pharmasyntez của Nga cho biết công ty này đã sẵn sàng chuyển cho Ấn Độ 1 triệu lọ thuốc kháng virus Remdesivir, sử dụng trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Trong thông báo, Pharmasyntez nêu rõ hãng có thể giao lô thuốc Remdesivir cho Ấn Độ ngay trong cuối tháng 5, nếu được Chính phủ Nga cấp phép.
Remdesivir từng thu hút sự chú ý trên toàn thế giới như một biệt dược hiệu quả với bệnh nhân Covid-19. Loại thuốc này hiện được cấp phép sử dụng điều trị bệnh nhân Covid-19 ở hơn 50 quốc gia, và cũng là một trong những loại thuốc mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng dùng khi mắc Covid-19.
Ấn Độ đang trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ. Hôm 26/4, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này đã vượt quá 17 triệu sau khi ghi nhận 352.991 ca mắc mới. Số ca tử vong tăng thêm 2.812 trường hợp. Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi tất cả người dân đi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, cũng như cảnh giác, thận trọng phòng chống dịch.
Nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Anh và Pháp thông báo sẽ gửi các thiết bị y tế, máy trợ thở, đồ bảo hộ y tế và nguyên liệu sản xuất vắc-xin đến Ấn Độ nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á này ngăn chặn đợt dịch hiện nay.
Nguồn: vietnamnet