Các chuyên gia cho rằng Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga, nhưng cũng có nghĩa Nga đang phụ thuộc vào thị trường EU.
EU đối mặt khủng hoảng năng lượng
Ngày 11-4, Đài Russia Today của Nga đưa tin người phát ngôn Bộ Kinh tế và năng lượng Đức Susanne Ungrad cho biết nước này có thể cắt giảm hoàn toàn sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong 2 năm.
Theo bà Susanne, Berlin đang đặt mục tiêu chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay, trong khi than đá có thể bị loại bỏ vào mùa thu và khí đốt tự nhiên có thể được loại bỏ vào giữa năm 2024.
Đức không phải là quốc gia châu Âu duy nhất muốn giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt Nga. Ngày 2-4, Litva chính thức trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên tuyên bố từ bỏ hoàn toàn nguồn khí đốt từ Nga.
Thông tin này được công bố trong thời điểm Matxcơva tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine, cũng như việc Điện Kremlin công bố quy định thanh toán mới với những quốc gia được coi là “không thân thiện”.
EU hiện tiêu thụ khoảng 400 tỉ m3 khí đốt mỗi năm, trong đó 40-45% nhập khẩu từ Nga. Các chuyên gia nhận định nếu chấm dứt nguồn cung này, các nước phương Tây sẽ đối mặt với hậu quả rất nặng nề vào thời điểm cuối mùa hè và đầu thu.
Trong khi hiện tại là đầu tháng 4, mùa lạnh vừa kết thúc và là thời điểm cần tái bổ sung nguồn dự trữ.
Cho dù châu Âu đang đẩy nhanh nỗ lực tìm phương án thay thế, các chuyên gia cho rằng điều này là không mấy khả thi trong tương lai gần.
Suren Kazaryan, chuyên gia từ Công ty tư vấn Big4, cho rằng việc từ bỏ khí đốt từ Nga sẽ khiến EU phụ thuộc vào nguồn cung khí hóa lỏng từ Mỹ, cũng như các nguồn dự trữ chiến lược.
“EU sẽ thay thế nguồn khí đốt giá rẻ đi qua các đường ống bằng phương án đắt đỏ đến từ những con tàu chở khí đốt của phần bên kia của thế giới”, chuyên gia của Big4 lý giải trên Đài RT.
Nga cũng chịu thiệt
Ở chiều ngược lại, lệnh cấm khí đốt của Nga sẽ ảnh hưởng khá lớn đến nền kinh tế Nga. Bởi sự phụ thuộc này cũng mang tính qua lại, khi 75% lượng khí đốt Nga xuất khẩu trong năm 2021, khoảng 200 tỉ m3, là cho thị trường EU.
Vấn đề chính là Nga không có cơ sở hạ tầng đủ tốt để chuyển hướng nguồn cung sang các thị trường khác.
Ông Marcel Salikhov – giám đốc về kinh tế tại Viện Nghiên cứu năng lượng và tài chính – cho rằng EU phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga, nhưng cũng có nghĩa Nga đang phụ thuộc vào thị trường EU.
Nga chỉ có vài phương án thay thế trong tình hình này, bởi hệ thống đường ống khí đốt của Nga đều hướng tới châu Âu, và khó có thể điều chỉnh hướng nguồn cung tới các thị trường khác. Có thể chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nước này đang tiêu thụ khá nhiều hàng Nga và khó có thể mua thêm, ông Salikhov chỉ ra.
Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể tăng lượng nhập khẩu sau khi từ bỏ than đá, hay thị trường Ấn Độ đầy tiềm năng. Tuy nhiên, các thị trường ở châu Á lại đối mặt với các khó khăn về kỹ thuật.
Đường ống dẫn khí đốt duy nhất tới khu vực này là qua tuyến đường ống Power of Siberia tới Trung Quốc, nhưng nó không kết nối tới một hệ thống cung ứng khí đốt tập trung, và khó có thể chuyển khí đốt sản xuất từ Yamal, Nga tới Trung Quốc thông qua tuyến hiện có.
Điều đó có nghĩa Nga phải đẩy nhanh đàm phán với Trung Quốc về tuyến Power of Siberia 2. Nhưng hiện mọi thứ đang trong quá trình thiết kế, và chưa có nội dung cụ thể nào được nhất trí giữa hai bên.
“Có thể xây thêm các tuyến bổ sung, nhưng sẽ cần sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Sau đó còn là khoảng thời gian để xây dựng và thi công kéo dài”, ông Salikhov nói.
“Nga dù gì cũng sẽ mất nguồn thu tài chính, và châu Âu thì mất điện năng và khí đốt. Khó có thể toan tính ai sẽ thiệt hơn, nhưng khí đốt đang mang lại nguồn thu lớn cho Nga. Gazprom bán khí đốt khoảng 9,5 tỉ USD chỉ tính riêng trong tháng 1 năm nay”, ông Igor Yuskhov – chuyên gia tại Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga – nêu dẫn chứng.
Nguồn: tuoitre.vn