Trong cuộc chiến ở Ukraine, vẫn có trường hợp tất cả các bên cùng thắng. Dẫu vậy, người dân chắc chắn thất bại khi mà cuộc chiến kéo dài hơn 5 tháng qua gây hệ lụy khủng khiếp với thế giới.

EU cần chiến lược mới ở Ukraine? - Ảnh 1.

Lạm phát trong tháng 6-2022 ở EU lên đến 9,6%. Trong ảnh: một người dân mua trái cây ở Athens, Hy Lạp 

“Một chiến lược mới là cần thiết, trong đó nên tập trung vào đàm phán hòa bình và soạn thảo một đề xuất hòa bình ổn thỏa… thay vì thắng cuộc chiến này”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu hôm 23-7.

Hai vấn đề lớn của châu Âu

Bình luận trên của ông Orban thu hút sự chú ý rất lớn từ truyền thông phương Tây, bởi nó mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn về tình thế của Liên minh châu Âu (EU).

Mối quan hệ giữa ông Orban và EU khá phức tạp. Thủ tướng Hungary ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU lên Nga nhưng không đồng ý với kế hoạch cấm hoặc hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga. Hiện nay, nền kinh tế Hungary lệ thuộc 85% vào nhập khẩu khí đốt Nga. Bên cạnh đó, tới nay Hungary cho biết đang gánh hơn 450.000 người tị nạn Ukraine từ lúc nổ ra chiến sự. Tuy nhiên, EU cũng đang trì hoãn quyết định chi tiền từ Quỹ hỗ trợ phục hồi (RRF) cho Hungary với lý do lo ngại tình hình tham nhũng và pháp quyền ở nước này.

Trong chính trường phương Tây, Orban là một trường hợp dị biệt và phản ánh hai vấn đề lớn nhất mà EU đang đối mặt.

Thứ nhất là vấn đề ý thức hệ. Dù là lãnh đạo một nước thành viên EU, ông Orban bị phần còn lại xem là đại diện cho một nền dân chủ phi tự do (illiberalism), nơi có hệ thống hoạt động kiểu dân chủ nhưng lại thiếu vắng các giá trị chủ yếu của dân chủ như pháp quyền, nhân quyền hoặc bầu cử minh bạch.

Khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư hồi tháng 4 vừa qua, báo chí phương Tây cũng không bỏ sót chi tiết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng chúc mừng. Ông Orban thường được nhắc tới như một “đồng minh” của ông Putin – người khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine mà phương Tây đang phản ứng dữ dội.

Thứ hai là vấn đề về chiến lược của EU, hay xa hơn là tình thế của các lãnh đạo dân chủ tự do. Đã có những tranh cãi về lý thuyết quan hệ quốc tế khi xác định ai là người có lỗi khi chiến sự Ukraine nổ ra: lỗi cá nhân của ông Putin hay sự mở rộng của NATO. Đối thủ của các đảng cầm quyền trong các quốc gia thành viên EU không bỏ qua thời cơ lấy câu chuyện Ukraine, lạm phát, giá nhiên liệu… để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.

Và ông Orban không phải là người đầu tiên cho rằng EU nên thay đổi cách tiếp cận với Nga. Hồi tháng 4, báo Guardian cũng không quên điểm mặt những người chúc mừng ông Orban đắc cử như Nigel Farage (Anh), Marine Le Pen (Pháp) hay Matteo Salvini (Ý). Đây đều là các chính trị gia bị dán nhãn cực hữu hoặc dân túy.

Định nghĩa cho “chiến thắng”

Những học giả về khoa học chính trị như Bueno de Mesquita cho rằng các lãnh đạo dân chủ hiểu rằng chiến thắng có thể mang tới lợi ích chính trị từ thùng phiếu, do đó họ phải quyết thắng. Vì lẽ đó, họ cũng cần thắng thật nhanh trong nhiệm kỳ.

Tóm lại, ai giúp EU chiến thắng trong vấn đề Nga – Ukraine nhiều khả năng ghi điểm trước các cuộc bầu cử tương lai gần. Nhưng vấn đề ở chỗ, thế nào được gọi là một “chiến thắng”?

EU không tham chiến trực tiếp, vì vậy cách để họ chiến thắng là chứng kiến Nga thất bại. Đó có thể là việc Ukraine thắng Nga, hoặc Nga phải nhận thua và rút lui vì sức ép từ các đợt trừng phạt. Nhưng làm thế nào để đánh giá Nga thành công hay thất bại?

Các bên đã tạo ra định nghĩa chiến thắng cho riêng mình, vì vậy ngay từ đầu chiến dịch, đã có sự bất nhất trong cách hiểu về mục tiêu của Nga ở Ukraine. Phía Nga nêu ý định “giải phóng” vùng Donbass ở phía đông Ukraine. Nhưng khi đưa tin về điều này hồi tháng 5, Reuters lại khẳng định Matxcơva đã tìm cách “đặt mục tiêu nhỏ hơn” tại Ukraine như một động thái giữ thể diện. Suốt từ đầu cuộc chiến tới nay, nhiều luồng quan điểm từ phương Tây cố gắng đẩy mục tiêu của Nga lên mức cao nhất (ví dụ ý kiến cho rằng Nga muốn chiếm lấy Ukraine hoàn toàn hoặc đánh thẳng vào thủ đô Kiev để lật đổ Tổng thống Volodymyr Zelensky).

Nhìn theo quan điểm của Nga, họ có vẻ đang thắng sau lợi thế giành được ở Donbass tính đến nay. Ngược lại, chiến sự kéo dài trong đợt lạm phát đã bắn tín hiệu đáng lo cho EU. Trong phát biểu ngày 23-7 vừa qua, ông Orban cho rằng chiến lược của EU hiện nay đã thất bại khi các chính phủ ở châu Âu đang sụp đổ “như domino”.

Quả thật chỉ trong vòng một tháng, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Ý Mario Draghi đã từ chức và các phe cực hữu ở châu Âu được cho là đang nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.

Để “thắng”, có lẽ kết quả tốt nhất cho EU là một thỏa thuận hòa bình. Đây là đáp án ổn thỏa nhất vì gần như chắc chắn hòa bình ở Ukraine ảnh hưởng tích cực lên thị trường, tạo cú hích cho nền kinh tế toàn cầu.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bác bỏ việc nối lại đàm phán hòa bình. Ông khẳng định giai đoạn Donbass đã hoàn thành và Nga đang mở rộng các mục tiêu khác ở Ukraine, từ Kherson và Zaporizhzhia cho tới “một số vùng lãnh thổ khác”.

Bất kể Nga đi tới đâu trong “một vùng lãnh thổ khác” nêu trên, đây có lẽ cũng là màn gom thêm lá bài trước khi bước vào một cuộc đàm phán hòa bình. Giai đoạn này cũng là lúc EU thống nhất quan điểm về “chiến thắng”, để tất cả đều giữ được thể diện.

4 trụ cột

Thủ tướng Hungary Orban cho rằng chiến lược của phương Tây tại Ukraine được xây dựng trên 4 trụ cột: (1) Ukraine có thể thắng Nga bằng vũ khí của NATO, (2) lệnh trừng phạt khiến Nga suy yếu và khiến lãnh đạo Nga bất ổn, (3) lệnh trừng phạt làm tổn thương Nga nhiều hơn châu Âu và (4) thế giới phải sát cánh ủng hộ châu Âu.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : châu Âucuộc chiến Nga - UkraineEUUkraine

Các tin liên quan đến bài viết