Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) hôm 4/10 đã ủng hộ việc tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho những đối tượng có hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng.
Theo hãng thông tấn Reuters, quyết định trên được đưa ra sau khi một vài nước thành viên của EU đã khởi động sớm các chiến dịch tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19 của riêng mình, dù các đối tượng được xét đủ điều kiện ở từng nước là khác nhau.
EMA cũng kết luận, liều bổ sung vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech có thể được xem xét tiêm cho tất cả người trên 18 tuổi trong vòng ít nhất 6 tháng sau thời điểm tiêm liều vắc xin thứ 2. Đối với những người bị suy giảm hệ miễn dịch, các liều vắc xin bổ sung có thể được tiêm trong vòng ít nhất 28 ngày sau liều tiêm thứ 2.
Các loại vắc xin Covid-19 đang được sử dụng trên thế giới. |
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng liên quan đến việc tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19 còn phải phụ thuộc vào các cơ quan có thẩm quyền của từng quốc gia thành viên.
Phán quyết của EMA được đưa ra ở một tuần sau khi trung tâm các bệnh truyền nhiễm của EU cảnh báo về mức độ bao phủ vắc xin của khu vực vẫn còn quá thấp. Điều này có nguy cơ làm gia tăng đáng kể số ca nhiễm, số ca nhập viện và tử vong bởi Covid-19 trong vòng 6 tuần tới.
Nhiều nước châu Á tìm cách mua thuốc trị Covid-19 của Merck
Reuters dẫn lời một quan chức Thái Lan hôm 4/10 cho biết, chính phủ nước này đang đàm phán với hãng dược Merck & Co để mua 200.000 liều Molnupiravir, loại thuốc điều trị Covid-19 đang được hãng sản xuất.
Bện cạnh Thái Lan, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở châu Á như Hàn Quốc, Malaysia và đảo Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang đàm phán để đặt mua dược phẩm của Merck. Trong khi đó, Philippines – quốc gia đang thử nghiệm loại thuốc này, cũng kỳ vọng các nghiên cứu trong nước sẽ cho phép họ sớm tiếp cận với phương pháp điều trị mới.
Tuy nhiên, tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên đều từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán với Merck.
Trước đó, hãng dược phẩm đến từ Mỹ hôm 1/10 cho biết sẽ xin phê duyệt thuốc đặc trị Covid-19 dạng uống đầu tiên trên thế giới, được biết đến với gọi là Molnupiravir.
Thông báo trên được đưa ra sau khi các kết quả thử nghiệm lâm sàng mới nhất cho thấy, Molnupiravir có thể giảm khoảng một nửa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với người nhiễm Covid-19 trở nặng.
Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics dự định xin phê duyệt khẩn cấp đối với thuốc Molnupiravir ở Mỹ trong thời gian sớm nhất có thể. Theo các giám sát viên độc lập, thử nghiệm giai đoạn 3 của loại thuốc này sẽ được kết thúc sớm nếu có kết quả tích cực.
Thái Lan triển khai tiêm chủng cho học sinh
Thái Lan trong ngày 4/10 lần đầu tiên triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng học sinh trung học, trước thời điểm nước này dự kiến mở cửa trở lại các trường học vào tháng tới.
Chính quyền thủ đô Bangkok cho hay, khoảng 88% học sinh trung học từ 12 đến 18 tuổi ở thành phố đã đăng ký tiêm chủng. Còn trên cả nước, 3,6 triệu trong tổng số hơn 5 triệu học sinh đủ điều kiện đã đăng ký tiêm chủng, theo các số liệu chính thức.
Thái Lan đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 cho khoảng 23% dân số, và nới lỏng nhiều hạn chế ở Bangkok, nơi số ca nhiễm mới đang có chiều hướng giảm trong những ngày gần đây. Nước này vẫn đang gấp rút tăng tỷ lệ tiêm chủng để có thể sớm chào đón du khách nước ngoài trở lại một cách an toàn sau 18 tháng hạn chế.
Cũng như một số quốc gia khác, Thái Lan sẽ sử dụng vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho các đối tượng học sinh.
New Zealand từ bỏ chiến lược “không Covid”
New Zealand hôm 4/10 đã tuyên bố từ bỏ chiến lược “không Covid” trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng vẫn xuất hiện.
“Với đợt bùng phát dịch hiện nay và sự xuất hiện của biến thể Delta, việc đạt được 0 ca nhiễm Covid-19 là rất khó khăn”, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói trong một cuộc họp báo. “Đây là sự thay đổi theo thời gian trong cách tiếp cận phòng chống dịch mà chúng ta đã và đang thực hiện. Đợt bùng phát mới đây bởi biến thể Delta chỉ làm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này”.
Thủ tướng Ardern cũng cho biết, tâm dịch Auckland với 1,7 triệu dân sẽ chấm dứt phong tỏa ở cấp độ 4 – cấp độ phong tỏa nghiêm ngặt nhất. Quy mô phỏng tỏa sẽ được thu hẹp lại theo từng giai đoạn, và một số biện pháp nới lỏng hạn chế sẽ được thông báo vào ngày 6/10 tới.
Tiêm vắc xin Covid-19 là một yếu tố quan trọng cho chiến lược mới này. Người đứng đầu chính phủ New Zealand lưu ý rằng, các đợt phong tỏa trên toàn quốc sẽ chỉ chấm dứt sau khi 90% dân số có đủ điều kiện trong nước được tiêm chủng.
Sự thay đổi chiến lược ở New Zealand diễn ra khi nước này ghi nhận 29 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 4/10, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát hiện tại lên 1.357. Hầu hết số ca nhiễm mới đều đến từ Auckland, nơi đã bị phong tỏa suốt gần 50 ngày qua.
Cho đến nay, khoảng 2 triệu người, tương đương khoảng 48% dân số New Zealand. đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19.
Các tin tức đáng chú ý khác
– Theo trang thống kê Worldometers, thế giới đến rạng sáng 10/5 (giờ Việt Nam) ghi nhận gần 234 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 255.000 ca nhiễm mới và hơn 4,8 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, gần 213 triệu người nhiễm Covid-19 đã bình phục, và hơn 2,68 tỷ người, chiếm 34,5% dân số thế giới, đã được tiêm đủ liều vắc xin.
– 3 nghiên cứu mới từ các nhà khoa học Italia cho thấy, vắc xin Covid-19 sẽ trở nên kém hiệu quả hơn đối với những người bị suy giảm hệ miễn dịch. Theo đó, 30% đối tượng được nghiên cứu không sản sinh đủ kháng thể đối với virus corona sau khi tiêm đủ 2 liều. 70% đối tượng còn lại dù có phản ứng với vắc xin, đặc biệt sau khi tiêm liều 2, nhưng vẫn ở mức độ thấp hơn những người có hệ miễn dịch bình thường.
– Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin hôm 4/10 cho biết chính phủ nước này sẽ tiến hành việc tiêm trộn lẫn vắc xin Covid-19 cho các liều bổ sung, tức có thể dùng loại vắc xin khác 2 liều đầu tiên đối với liều thứ ba.
Nguồn: vietnamnet