BP – Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: Theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 10-2016 Ủy ban châu Âu (EC) đã dừng xem xét vấn đề dư lượng metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào châu Âu. Giữa tháng 12-2016, EC lại tiếp tục đặt lại vấn đề và dự kiến nâng gấp đôi mức dư lượng tối đa cho phép (MRLs) của metalaxyl tồn dư trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU.

Thông tin của Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA), ngày 22-2-2017, trước phản đối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ban Gia vị của Chính phủ Ấn Độ (ISB) và ESA, EC đã xem lại dự thảo quy định mới liên quan tới metalaxyl trên hạt tiêu và quyết định sẽ tạm dừng xem xét và chờ kết quả cuộc họp của các chuyên gia Codex đánh giá lại, dự kiến trong năm 2018. EC cũng cho phép các nước trồng hồ tiêu (Việt Nam là sản xuất  nhiều nhất thế giới) có thể trình các thông tin, dữ liệu lên JMPR (Joint FAO/WTO Meeting on Pesticide Residues) để các chuyên gia Codex có thêm dữ liệu xem xét.

Đây là tin vui cho sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên, về lâu dài vấn đề nghiêm ngặt đối với dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên hạt tiêu sẽ luôn được các thị trường nhập khẩu đặt ra. Do đó, để hồ tiêu Việt Nam thực sự phát triển ổn định trong thời gian tới thì không còn con đường nào khác là phải quyết liệt hơn trong sản xuất, đặc biệt là nông dân và các đầu mối thương lái, doanh nghiệp thu gom, tạm trữ… phải cùng có trách nhiệm, quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng an toàn, chất lượng thì mới có thể tránh được rủi ro mất giá, không tiêu thụ được hàng hóa vì vấn đề chất lượng không đảm bảo.

VPA khuyến cáo, để thay thế metalaxyl, nông dân  nên lựa chọn các thuốc trừ sâu sinh học thế hệ mới có công dụng diệt trừ nấm bệnh tương tự metalaxyl và cần chủ động nắm bắt thông tin thông qua hệ thống khuyến nông, các đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật trong vùng.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn

Từ khóa : hạt tiêuHiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA)hồ tiêumetalaxylVPA

Các tin liên quan đến bài viết