Trong những ngày đầu tháng 7, Bình Phước cùng với 36 tỉnh thành trên cả nước tham gia Liên hoan tuyên truyền lưu động Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017). Trong lần tham gia này, đoàn đã được đến thăm rất nhiều địa điểm lịch sử. Trên suốt chặng đường đã để lại cho đoàn Bình Phước nhiều khắc khoải, nhói đau, sự căm phẫn đối với những kẻ đã gây ra mất mát, đau thương trên mảnh đất quê hương, đồng thời là sự cảm phục trước ý chí, kiên cường dành cho những người hy sinh xương máu vì sự bình yên của dân tộc. Những nơi đoàn Bình Phước có dịp được ghé thăm đó là Bệnh Xá Đặng Thùy Trâm ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, khu Chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, H. Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Trường Sơn. Mỗi nơi chúng tôi đến, đều để lại nhiều xúc cảm!

Bài 1: Sơn Mỹ trong lòng người Bình Phước.

Chúng Tôi về Sơn Mỹ giữa buổi chiều của ngày đầu tháng 7, saungày dân làng hai thôn Tư Cung, Cổ Lũy tổ chức đại giỗ cho hơn 500 người dân trong vụ thảm sát gần 50 năm trước (16-3-1968 – 16-3-2017). Không gian làng quê Sơn Mỹ thanh bình, yên ả quá đỗi, được phủ mát bởi màu xanh của ruộng lúa, đồng ngô, như thể nơi đây chưa từng diễn ra cuộc thảm sát đẫm máu, bạo tàn do quân viễn chinh Mỹ thuộc Sư đoàn Americal gây ra 49 năm trước. Đối với chúng tôi, khi đặt chân đến nơi này, với những người có mặt. Sơn Mỹ đúng thật là sự hồi sinh, đã khẳng định sự bất diệt, vĩnh hằng của sự sống! Qua câu chuyện về Sơn Mỹ, bài học được khắc họa rõ: đó lòng vị tha, khát vọng, mong muốn được sống trong hòa bình của nhân dân Việt Nam lại một lần nữa được cất lên.

Người thuyết trình viên và cái chết của 504 thường dân vô tội.

 Đến khu Chứng tích Sơn Mỹ, đoàn chúng tôi nhanh chóng vào nơi trưng bày những hình ảnh về vụ thảm sát này, nhiều khuôn ảnh hiện rõ trước mắt. Một chị thuyết trình viên khoảng 40 tuổi, nước da ngăm, nói giọng dễ nghe, không nặng tiếng địa phương giống như những người xứ Quảng tôi đã gặp, có lẽ đây là công việc gắn bó với chị rất lâu nên mới có tiếng nói dễ nghe như vậy. Chị bắt đầu kể lại cho đoàn nghe về vụ thảm sát kinh hoàng khiến 504 dân vô tội bị sát hại cách đây gần 50 năm. Tất cả, chỉ còn lại 8 người sống xót, họ thoát chết được là nhờ sức người đè lên họ.

Như thường lệ, ngày 16/3/1968, người dân dạy sớm để chuẩn bị đi làm đồng, tại thời điểm này đang vào mùa gặt lúa. Buổi sáng, không gian lặng lẽ của ngôi làng đã bị phá vỡ bởi tiếng pháo của ban chỉ huy quân sự lính Mỹ. Người dân bỏ hết mọi thứ để ẩn nấp trong hầm. Khoảng 30 phút sau ngoài tiếng đạn, 9 máy bay chở hơn 100 binh lính Mỹ. Trong 4 giờ chúng đã bắn giết tổng cộng 504 người, toàn là trẻ sơ sinh, trẻ con, phụ nữ và người già, chúng giết chết họ không vì một lí do gì cả.

Chị hướng dẫn viên (áo dài nâu) tại con mương, nơi binh lính Mỹ giết chết 170 người dân vô tôi

Vừa thuyết minh cho chúng tôi, chị vừa chỉ vào tấm bia ghi tên đầy đủ tất cả những người đã bị giết chết ngày hôm đó. Tôi thấy rõ có những trẻ sơ sinh chưa đầy hai tháng tuổi, trên tấm bia được ghi thêm số 0 đằng trước (02: trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi), còn trẻ con 2 tuổi ghi số 2. Những cái tên, con số chúng tôi phải mất một thời gian khá lâu mới có thể đọc hết những dòng chữ được ghi trên tấm bia.

Ngoài việc giết người, lính Mỹ còn đốt hơn 299 căn nhà tranh, giết rất nhiều gia súc. Lính Mỹ rút đi, đầu giờ chiều những người sống sót bò lên từ các đống xác chết. Họ sợ rằng lính Mỹ sẽ giết họ trong những ngày sắp tới nên họ đành phải chạy trốn. 4, 5 ngày sau những người sống xót mới dám trở về xóm cũ để đưa xác người thân đi chôn, nhiều xác chết đã bị lính Mỹ đốt cháy bằng rơm, rạ, xăng, dầu, người ta không thể nhận ra được mặt người thân. Quyết định sau cùng là mang xác chôn chết tập thể. Theo con số thống kê từ Ủy ban xã lúc bấy giờ 504 người bị thảm sát họ đến từ 247 gia đình khác nhau. Lính Mỹ đã giết chết toàn bộ số gia đình đó và vô tình giết đi tuyệt tự 24 gia đình.

Rời tấm bia, đoàn chúng tôi được hướng dẫn đến những bức ảnh màu. Một bức ảnh, chụp binh lính Mỹ giết chết một trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi cùng mẹ của em bé. Người đàn bà với đôi chân trần đang cho con bú. Được biết, khi lục soát đến đây, lính Mỹ tách người mẹ ra khỏi đứa con để cưỡng bức, sau đó bắn chết cả 2 mẹ con rồi bỏ đi. Máu từ vết thương của người mẹ tiếp tục chảy ra, nhiều tới nỗi ướt đẫm cả áo của đứa bé sơ sinh.

Một bước ảnh khác, tại giếng nước, một cụ già có tên Phạm Mộc Lai, 79 tuổi đang rơi xuống giếng. Ông bị lính Mỹ lôi đi trong tư thế chưa kịp mặc xong chiếc quần dài, bị lôi đến một con đường đất, cụ sợ hãi ngồi xuống, người chụp ảnh mô tả ông khóc lóc van xin được thả về, nhưng chúng vẫn nhẫn tâm giết chết. Ảnh một vài người đàn bà vội vã bồng và dắt theo con của họ  để mong trốn khỏi lính Mỹ. Họ chưa biết núp vào chỗ nào thì đã bị lính Mỹ bắt, lúc tiếng súng gầm rú cũng là lúc những thân người này ngã xuống.

Hình ảnh 2 đứa bé trai, vốn là anh em ruột bị bắn chết trên đường chạy trốn, 2 đứa bé chưa đủ 10 tuổi. Khi bị bắn đứa lớn đã trùm người lên để che lấy em của mình, đứa bé đó xoay sở thật nhiều để tránh đạn nhưng cuối cùng vẫn bị bắn chết trong tư thế đưa lớn đang ghì chặt lấy đứa nhỏ. Một bức ảnh khác, 4 đứa trẻ trong một gia đình đã bị giết, xác bị đốt bằng xăng dầu, một người đàn bà gào khóc chính là mẹ ruột của những đứa bé này, vì bà đã rời những đứa con để đi gặt lúa sớm nên may mắn không bị giết. Khi quay trở về thì người phụ nữ này đã không còn thấy những đứa con thân yêu của mình nữa. Là một người mẹ mất tới 4 người con chỉ trong vài đồng hồ, hẳn là tận cùng của nỗi đau.

Còn rất nhiều hình ảnh mà tôi không đủ can đảm để mô tả, quá đau thương, nhẫn tâm và tàn ác. Vụ thảm sát này, dù thời gian có nhiều đến bao nhiêu cũng không thể nào xóa hết được. Nhất là đối với chị thuyết minh viên, được biết chị làm ở khu di tích này gần 20 năm. Mỗi lần nhắc lại những việc làm của binh lính Mỹ cho người viếng thăm là mỗi lần vết thương trong lòng của người con đất Quảng lại rỉ máu. Người ta thường quen thuộc với một sự việc được lặp lại nhưng với chị thì không, cảm xúc của chị không khác chúng tôi, những người lần đầu tiên được biết về tội ác của Mỹ một cách rõ nhất. Bởi vậy, mỗi lần tôi thấy chị nói đến binh lính Mỹ, những cái chết thương tâm của người dân vô tội, giọng người thuyết minh viên nghẹn lại, chị trực trào nước mắt.

Những chứng tích được giữ lại sau vụ thảm sát

Sơn Mỹ trong lòng người Bình Phước

Ngoài những hình ảnh tại nơi trưng bày, không gian bên ngoài được tái hiện lại cuộc sống của người dân cách đây hơn 50 năm. 19 nền nhà của các gia đình bị giết hại được giữ lại. Con đường mòn với nhiều dấu chân không theo một lối nào. Một con mương, nơi binh lính Mỹ giết chết 170 người, một cây dừa chi chít những vết đạn – đây là “nhân chứng” duy nhất còn sống xót của gia đình ông Lê Lý sau vụ thảm sát. Tất cả như vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh tan tác, điêu tàn của ngày định mệnh đó. Nhà ông Lê Lý (79 tuổi), một gia đình gồm 3 thế hệ có tất thảy 9 người đã bị giết chết, không còn xót một ai.

Trong chuyến đi này, đoàn Bình Phước, hầu hết là những người trẻ tuổi, hằng ngày họ sôi nổi, năng động nhưng đứng trước những hình ảnh này, họ trầm lặng, họ xót xa, họ khóc. Tôi biết được những giọt nước mắt ấy họ dành cho ai. Em Nguyễn Anh Đào (26 tuổi), không giấu được cảm xúc của mình, em khóc như một đứa trẻ khi đứng trước đài tưởng niệm 504 con người vô tội bị giết một cách tàn nhẫn. “ Chiến tranh thật ác nghiệt, cướp đi bao nhiêu con người vô tội, tôi không thể tin vào mắt mình. Tôi thương, đau xót và cảm thấy mình thật may mắn khi được sống trong hòa bình như ngày nay. Những người cùng trang lứa như tôi ngày đó, chắc có lẻ họ chưa được một ngày sống bình yên” – Đào chia sẻ.

Bà Dương Thị Thanh Vị, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh khẳng định rằng chuyến đi lần này có rất nhiều ý nghĩa, đây là dịp để người Bình Phước một lần nữa có dịp viếng thăm, ghi nhớ sâu sắc sự hy sinh, mất mát của những người nằm xuống, để góp vào sự thống nhất giữa hai miền Nam – Bắc, mang lại sự bình yên cho dân tộc. Qua đó, sẽ trân trọng hơn giá trị của cuộc sống ở hiện tại.

Vẫn biết, vụ thảm sát Sơn Mỹ chỉ là một trong muôn vàn tội ác mà giặc Mỹ xâm lược và tay sai đã gây ra ở miền Nam Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, nhưng khi nhìn từng dòng người lặng lẽ, thành kính dâng hương tại đài tưởng niệm, tôi hiểu vì sao những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới từng nói vụ thảm sát Mỹ Lai là nỗi đau kinh hoàng, đánh thức lương tri loài người. Đến Sơn Mỹ không phải là để khơi gợi lại nỗi đau mà là nhắc nhở nhân loại đừng bao giờ gây thêm cuộc chiến tranh nào nữa, để đừng có một Mỹ Lai nào khác nữa trên hành tinh này… Rời khỏi Sơn Mỹ, lòng người Bình Phước còn nhiều nặng nợ, hình ảnh của khu mộ tập thể, dòng kênh, cây dừa,…vẫn còn in dấu rất rõ nét trong tâm trí mỗi người. Một lời hứa sống và làm việc có trách nhiệm để xứng đáng với hy sinh của những người nằm xuống.

Trang Hương

Từ khóa : đường về quảng trịgiết 504 người dânSơn Mỹ

Các tin liên quan đến bài viết