Vốn bố trí bảo trì đường sắt có sẵn nhưng các đơn vị bảo trì không thể tiếp cận do chưa thống nhất được phương án giao vốn cho Cục Đường sắt hay Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR).

Ông Bùi Đình Sỹ, Giám đốc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội cho biết, từ đầu năm nay các công ty bảo trì đường sắt gặp nhiều khó khăn do chưa ký được hợp đồng đặt hàng bảo trì.

Dù vốn đã được Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt từ tháng 12/2020 nhưng vướng cơ chế, quy định pháp luật nên chưa thể triển khai.

Dù chưa được ký hợp đồng nhưng VNR đã có văn bản chỉ đạo người đại diện phần vốn tại các DN cổ phần bảo trì đường sắt phải đảm bảo công tác an toàn chạy tàu. Do vậy, công ty vẫn phải vận dụng nguồn lực để đưa vật tư, thiết bị vào công trình để duy trì trạng thái hạ tầng, đảm bảo an toàn.

Đường sắt có tiền không tiêu được
Các DN bảo trì đường sắt gặp khó do vốn bảo trì chưa thể thống nhất được phương thức giao vốn

Ông Sỹ cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị vẫn thực hiện tạm ứng lương hàng tháng cho người lao động. Riêng lương tạm ứng quý I cho gần 500 cán bộ công nhân viên đã là 7 tỷ đồng và hiện đang sử dụng vốn của công ty để chi trả.

Hết quý I, công ty sẽ phải trả khoảng 11 – 12 tỷ đồng tiền lương, chưa kể tiền bảo hiểm hàng tháng khoảng 1 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ chỉ 22,5 tỷ đồng. Nếu tình trạng này kéo dài, buộc công ty phải vay ngân hàng.

Ông Dương Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt cho biết, từ đầu năm 2020 đã nảy sinh các vướng mắc liên quan đến chủ thể được giao vốn và phương thức thực hiện.

Lý do sâu xa xuất phát từ việc VNR đã chuyển về trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, không còn trực thuộc Bộ GTVT quản lý nên theo Luật Ngân sách, Bộ không thể giao cho VNR như trước.

Về cơ chế thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT xây dựng và đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho VNR tổ chức thực hiện.

Phương án 2: Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện.

Về 2 phương án trên, Bộ Tư pháp cho rằng việc lựa chọn phương án 1 giao dự toán, quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cho VNR để thực hiện là không trái với quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu.

Đại diện Bộ Tài Chính cho rằng, quy định Bộ GTVT phân bổ dự toán, quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt là phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách…

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nói rõ, phương án Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cho Cục Đường sắt có thể dẫn tới phát sinh: chưa phù hợp với Luật đường sắt 2017.

Về việc giao quản lý sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Bộ Tư pháp cho rằng về cơ sở pháp lý việc giao cho VNR (100% sử hữu nhà nước) hoặc Cục Đường sắt thuộc Bộ GTVT quản lý khai thác đều đúng luật.

Tuy nhiên,VNR là đơn vị được nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ chính là kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, quản lý bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, VNR có kinh nghiệm, có nguồn nhân lực, có chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật chuyên ngành đường sắt để có thể quản lý, khai thác và sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trong khi Cục Đường sắt là cơ quan trực thuộc Bộ GTVT thực hiện tham mưu giúp Bộ theo phân cấp uỷ quyền của Bộ trưởng. Để quản lý, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt thì phải tăng cường bộ máy, tách chức năng kinh doanh ra khỏi bộ quản lý nhà nước.

Đường sắt có tiền không tiêu được
Dù chưa được bố trí vốn nhưng các đơn vị bảo trì đường sắt vẫn phải đảm bảo an toàn chạy tàu

Điều này đòi hỏi nhiều thời gian và cần tính toán kỹ để đảm bảo với chủ trương của nhà nước trong việc tinh giản bộ máy, tách chức năng kinh doanh ra khỏi các Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành.

 Yêu cầu Bộ GTVT nghiêm túc tiếp thu

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Tài Chính, Bộ Tư pháp và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hôm 4/2, Văn phòng chính phủ  yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp.

Mới đây nhất ngày 24/3, Văn phòng chính phủ tiếp tục có văn bản yêu cầu Bộ GTVT nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và tiếp thu ý kiến Bộ Tư pháp, hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong thời gian đề án chưa được phê duyệt, Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư. Bộ GTVT chỉ đạo VNR duy trì hoạt động bảo trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt theo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bộ GTVTđường sắttai nạn

Các tin liên quan đến bài viết