Ông Bùi Tôn Kiêm được UBND huyện Nghi Lộc, Nghệ An bồi thường hơn 1 tỉ đồng sau hơn 28 năm khiếu nại |
Ngày 29-12, ông Bùi Tôn Kiêm (67 tuổi, ngụ khối 5, phường Bến Thủy, TP Vinh tỉnh Nghệ An) cho biết sau nhiều lần thương lượng, ông đã đồng ý nhận mức bồi thường 1 tỉ 40 triệu đồng mà UBND huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An đưa ra. Trước đó, ông Nguyễn Tiến Dũng – chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc đã ký quyết định bồi thường thiệt hại cho ông Kiêm sau hơn 28 năm ông Kiên mang đơn đi đòi huyện bồi thường vì thanh lý 2 máy đẩy thủy 16CV (động cơ sử dụng trong tàu biển) của ông. Ông Kiêm cho biết, năm 1988 ông có mua của HTX Hòa Bình 2 máy đẩy thủy với giá hơn 2,6 triệu đồng. Tối 13-6-1988, ông vận chuyển hai máy về TP Vinh thì bị Công an huyện Nghi Lộc kiểm tra, lập biên bản tạm giữ. Mặc dù ông đã Kiêm đã xuất trình bộ hóa đơn, chứng từ mua bán hai máy này từ HTX Hòa Bình tuy nhiên, phía Công an huyện Nghi Lộc cho rằng bộ hóa đơn mua bán máy đều mang tên ông Trần Nhật Tấn (là bạn ông Kiêm, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) là không hợp pháp. Hơn nữa, HTX Hòa Bình bán 2 máy đẩy thủy không xin phép phòng hải sản và UBND huyện Nghi Lộc là chưa đúng quy định hiện hành nên cơ quan chức năng huyện đã quyết định tịch thu lô máy. Dù ông Kiêm đã liên tục có đơn khiếu nại nhưng ngày 4-12-1988, UBND huyện Nghi Lộc bán hai chiếc máy đẩy thủy trên với giá 3,8 triệu đồng (số tiền bán máy được trích hơn 1,1 triệu đồng thưởng cho công an huyện). Ngày 6-2-1989, Viện KSND tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) có kết luận về giải quyết nội dung khiếu nại của ông Kiêm khẳng định việc mua bán máy của ông Kiêm và ông Tấn là hợp pháp theo quy định hiện hành, đồng thời yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc trả lại tài sản cho công dân. Đến tháng 4-2016 (sau 28 năm ông Kiêm có đơn khiếu nại), UBND huyện Nghi Lộc đã ra quyết định giải quyết khiếu nại của ông Kiêm, khẳng định UBND huyện tại thời điểm đó bán 2 máy đẩy thủy trong khi ông Kiêm đang khiếu nại là chưa thỏa đáng và gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của ông Kiêm. Tại buổi làm việc thương lượng bồi thường với UBND huyện Nghi Lộc, ông Kiêm yêu cầu UBND huyện này phải bồi thường 18 tỉ 80 triệu đồng cho những tổng thiệt hại mà ông phải gánh chịu trong gần 30 năm qua (bao gồm giá trị máy, giá trị kinh tế từ khai thác máy, chi phí đi khiếu nại…).Tuy nhiên, mức bồi thường này không được UBND huyện Nghi Lộc chấp thuận mà huyện chỉ đồng ý bồi thường cho ông 1 tỉ 40 triệu đồng. Ông Kiêm cho biết: “Thời gian đi khiếu nại làm nhiều biến cố trong cuộc đời của tôi, công việc làm ăn đổ bể, nhiều tài sản trong nhà phải bán để có chi phí đi khiếu nại. Có thời điểm tôi đổ bệnh nằm một chỗ không thể đi đâu được do suy nghĩ quá nhiều, suy nhược cơ thể. Cũng vì tuổi cao, sức yếu nên tôi đồng ý với mức bồi thường này”. Trưa 29-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Dũng – chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) xác nhận phía huyện đã hoàn tất thủ tục bồi thường cho ông Kiêm. Số tiền bồi thường được lấy từ ngân sách huyện.