Dù đã cuối mùa mưa nhưng bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) vẫn còn mắc rải rác ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Thời điểm này nhiệt độ còn ẩm ướt, muỗi, lăng quăng, sinh sản phát triển mạnh là điều kiện thuận lợi để bệnh SXH tấn công. 

Có mặt tại Khoa bệnh Nhiệt Đới Bệnh viện Đa khoa Bình Phước, chúng tôi chứng kiến có 10 bệnh nhân đang nằm điều trị bệnh SXH tại đây. Anh Võ Đình Tuấn, ấp 2, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài cho biết, hằng ngày phải bươn chải kiếm sống bằng nghề cạo mủ cao su thường xuyên bị muỗi đốt nên mắc bệnh SXH, do đó phải đến bệnh viện điều trị. Tương tự, cạnh bên anh Tuấn, chị Thị Thúy, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp cũng đang nằm điều trị bệnh SXH cho biết, mới đầu nóng sốt đi bác sĩ tư điều trị không hết nên mới chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Bình Phước. Tại đây các bác sỹ xác định, chị Thúy mắc SXH. Chị Thị Thúy nói: “Hôm vào nhập viện  tình trạng bệnh sốt, ói, mệt, mê man,… tôi và người thân trong gia đình lo lắm”. Ngoài chuyện sức khỏe, mấy ngày nằm viện, gia đình chị Thị Thúy phải tốn hết vài triệu đồng để lo chạy chữa.

Theo ghi nhận, 10 trường hợp đang điều trị SXH tại Bệnh viện Đa khoa Bình Phước vẫn rất lo lắng vì kinh tế khó khăn, một số hoàn cảnh nhà nghèo buộc phải đi vay mượn để có tiền trả viện phí.

Bệnh nhân Võ Đình Tuấn mắc SXH đang được điều trị tại Khoa bệnh Nhiệt Đới – Bệnh viện Đa khoa Bình Phước

Qua điều tra môi trường với bán kính 200m khu vực nhà ở của những trường hợp mắc bệnh SXH cho thấy, vẫn còn nhiều hộ dân thờ ơ với dịch bệnh. Nhiều gia đình dụng cụ chứa nước có lăng quăng, nhất là những dụng cụ người dân dùng để rửa tay, chân chưa được quan tâm đậy kín. Nhà chị Thị Thúy, anh Võ Đình Tuấn nêu trên có lu nước, hồ… đầy lăng quăng.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Khanh – Trưởng Khoa bệnh Nhiệt Đới – Bệnh viện Đa khoa Bình Phước khuyến cáo, dù Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã tăng cường chiến dịch truyền thông phòng chống bệnh SXH, nhưng việc diệt muỗi, lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt chưa nhận được sự quan tâm nhiều của người dân, từ đây gây nhiều hệ lụy…Người lớn không nên chủ quan với bệnh SXH vì phát hiện bệnh SXH ở người lớn khó hơn so với trẻ em do dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác. Nếu chủ quan thì khi phát hiện được đã quá nặng. Mỗi ngày Khoa tiếp nhận 4-5 bệnh nhân mắc SXH.

Cũng theo bác sỹ Khanh, đối với phụ nữ mang thai, SXH nặng gây suy thai hoặc thai chết lưu. Ở người lớn, SXH nặng gây chảy máu lan nhiều nơi trong não, chiếm tỷ lệ tử vong khá cao. Bên cạnh đó, suy đa tạng và xuất huyết não là hai biến chứng do SXH nặng. Không những thế, SXH nặng còn gây biến chứng: suy gan, tổn thương não, suy hô hấp, suy thận… giảm tiểu cầu thì càng nguy hiểm hơn. Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế nỗ lực tuyên truyền dịch bệnh SXH đã được thực hiện bằng nhiều hình thức, đặc biệt cấp phát các loại tờ rơi, tờ bướm, các đợt truyền thông trực tiếp qua các chiến dịch phòng, chống dịch bệnh đã mang kiến thức đến tận nhà người dân vùng sâu vùng xa, nơi có dân di cư biến động, đi rừng, làm rẫy để phòng ngừa bệnh SXH.

Xuân Hiệp (khoahocthoidai.vn)

Từ khóa : ẩm ướtlăng quăngmuỗisuy gansuy hô hấpsuy thậntổn thương não

Các tin liên quan đến bài viết