Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp trên. Nhưng hiện nhiều người dùng sai gây hại tới sức khỏe. Vậy dùng thế nào cho đúng?
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh thăm khám cho bệnh nhân
Giải pháp không kháng sinh trong hỗ trợ điều trị bệnh
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, cho biết nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (sổ mũi, nghẹt mũi, ho…) là bệnh lý rất thường gặp. Bệnh đặc biệt bùng phát khi thay đổi thời tiết và rất dễ lây lan từ người này sang người khác.
Thông thường, người khỏe mạnh có sức đề kháng tốt sẽ sớm khỏi bệnh. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi, hệ miễn dịch còn yếu và có thể đang mắc nhiều bệnh nội khoa khác, thì các triệu chứng của nhiễm khuẩn hô hấp trên là cơ hội để các vi khuẩn tấn công và gây ra các bệnh lý liên quan khác.
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý được biết đến là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp trên, nhất là ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu đúng về các loại nước muối dẫn tới dùng sai gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, tùy vào nồng độ muối trong dung dịch nước muối sẽ chia làm 3 loại dung dịch nước muối chính:
– Nước muối đẳng trương: Là dung dịch nước muối được pha chế với tỉ lệ muối tinh khiết/nước cất là 0,9%. Nghĩa là dung dịch pha với nồng độ 1 lít nước và 9g natri chloride tinh khiết.
Dung dịch này được gọi là nước muối 0,9%, hay còn gọi là nước muối sinh lý. Nồng độ của dung dịch này đẳng trương với nồng độ của dịch sinh lý của cơ thể nói chung, cân bằng với dịch thể và cũng cân bằng với dịch tế bào của hầu hết các loại vi khuẩn. Chính vì thế, nước muối nồng độ này không có khả năng kháng khuẩn.
– Nước muối ưu trương: Là dung dịch nước muối có tỉ lệ muối tinh khiết/nước cất cao hơn 0,9%. Nồng độ muối càng cao, đậm đặc thì độ ưu trương càng mạnh, càng háo nước.
Nếu tiếp xúc với tế bào sống thì nước muối “ưu trương mạnh” sẽ “rút” nước từ tế bào, khiến cho tế bào bị mất nước, biến dạng, teo nhỏ, bất hoạt hoặc bị tiêu diệt theo kiểu “chết khô”. Cho dù đó là tế bào của cơ thể người hay của vi khuẩn thì cũng chịu chung số phận như vậy.
Cho nên, nếu để có tác dụng kháng khuẩn hay diệt khuẩn thì dung dịch nước muối phải có nồng độ muối đậm đặc hơn dung dịch đẳng trương rất nhiều.
– Nước muối nhược trương: Là dung dịch nước muối có tỉ lệ muối tinh khiết/nước cất thấp hơn 0,9%. Nồng độ muối càng thấp hơn nhiều thì dung dịch càng nhược trương.
Trên thị trường, nước muối nhược trương hiện nay đa số được pha chế với nồng độ 0,65%, thường dùng để xịt rửa vệ sinh mũi họng hằng ngày. Tuy nhiên sản phẩm này không phổ biến như nước muối đẳng trương và nước muối ưu trương.
Chớ nên lạm dụng
Nước muối đẳng trương và nước muối nhược trương không gây hại cho tế bào nên cũng không diệt được vi khuẩn, mà chỉ có tác dụng “rửa trôi” vi khuẩn, nếu như khi ta dùng để súc miệng, súc họng, rửa vết thương…
Hiện hầu hết mọi người đang sử dụng nước muối theo kinh nghiệm mà chưa biết cách dùng đúng loại nước muối trong điều trị dẫn tới hiệu quả không cao, thậm chí gây hại hơn lợi.
PGS Dinh phân tích, nước muối đẳng trương còn gọi là nước muối sinh lý, được sử dụng nhiều nhất trên thị trường. Do nồng độ của dung dịch này đẳng trương với nồng độ của dịch sinh lý của cơ thể và cân bằng với dịch thể, nên dung dịch tiêm truyền NaCl 0,9% được lựa chọn đầu tay để bổ sung dịch cho cơ thể qua đường tĩnh mạch vào máu trong trường hợp mất nước (tiêu chảy, sốt cao, nôn nhiều…).
Tuy nhiên, các sản phẩm dịch truyền phải đạt tiêu chuẩn khắt khe theo quy định riêng của tiêu chuẩn “thuốc tiêm truyền”.
Trong vệ sinh mũi họng, nước muối sinh lý 0,9% thường dùng với mục đích vệ sinh lấy sạch mũi nhầy trộn với thuốc giãn phế quản để xông… Nước muối đẳng trương vì có nồng độ muối sinh lý với mũi/họng nên có thể dùng nhiều lần, dài ngày tùy theo nhu cầu vệ sinh khi viêm nhiễm.
Dù vậy cũng không nên lạm dụng hằng ngày, khi cơ thể (đặc biệt là trẻ em) bình thường, không có dấu hiệu của viêm mũi họng thì không nên dùng.
Nước muối ưu trương là loại có nồng độ muối cao hơn 0,9%. Do nồng độ muối cao, khi tiếp xúc với tế bào sống, dung dịch nước muối ưu trương sẽ rút nước ra khỏi tế bào, khiến tế bào vi khuẩn bị mất nước mạnh và bị chết hoặc bị bất hoạt.
Loại nước muối ưu trương này có thể tự pha do không phải lo ngại bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, xét theo góc độ khoa học thì có thể gây lợi bất cập hại. Bởi dù tiêu diệt được vi khuẩn, vi rút, nhưng đồng thời cũng gây tổn thương niêm mạc miệng họng, làm suy yếu lớp hàng rào bảo vệ tế bào, dẫn đến tăng nguy cơ cho vi rút, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn.
Do đó đây không phải là loại nước muối dùng để vệ sinh mũi họng hoặc vệ sinh vết thương thường xuyên được, mà chỉ được khuyên dùng trong trường hợp nghẹt mũi do phù nề cuốn mũi.
Nước muối ưu trương chỉ nên dùng tối đa trong một đợt cảm 5-7 ngày, không nên dùng quá 7 ngày liên tục vì có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc mũi.
Trường hợp bị nghẹt mũi, có thể phối hợp sử dụng nước muối ưu trương và đẳng trương như sau:
Khi cuốn mũi đang phù nề quá mức gây nghẽn đường thở, dùng nước muối ưu trương xịt hoặc nhỏ vào mũi rồi day nhẹ cánh mũi. Nồng độ muối mặn sẽ làm cuốn mũi co lại, để ống mũi hở ra một khe, qua khe đó dịch mũi bên trong có thể chảy ra.
Lúc này chuyển sang dùng nước muối đẳng trương xịt/nhỏ để làm loãng nhầy nhớt, dễ chảy ra và dễ vệ sinh sạch mũi hơn.
Tiếp đó có thể nhỏ hoặc xịt thêm một lần nước muối ưu trương nữa để tăng hiệu quả chống nghẹt mũi.
Nguồn: vietnamnet