Với nhiều người, giãn cách xã hội là thời gian để sống chậm, phát triển bản thân, gắn kết gia đình. Tuy nhiên vẫn có không ít người phải đối mặt với mâu thuẫn, cãi vã với người thân do phải ở nhà nhiều hơn.

Ngột ngạt, bất hòa khi ở nhà cả ngày

Hôm nghe dì tôi kể, những ngày này gia đình anh họ ngày nào cũng cãi vã suốt khiến ai cũng bất ngờ. Bởi lâu nay, gia đình anh có tiếng nề nếp, là kiểu mẫu để anh em trong nhà noi theo. Vợ chồng anh đều có học thức, khéo léo cư xử mà con cái cũng ngoan hiền, lễ phép.

Vậy mà mọi thứ bị đảo lộn đến không ngờ từ lúc tụi nhỏ được nghỉ hè sớm do năm học phải rút ngắn lại vì dịch Covid-19. Nhưng đỉnh điểm của rối rắm khi chung cư anh ở bị phong tỏa do có ca lây nhiễm. Anh chuyên về thiết kế đồ họa nên có thể làm việc tại nhà.

Khổ nỗi, máy móc ở nhà cấu hình đã yếu lại thêm  tốc độ đường truyền internet chậm nên cứ trục trặc đủ thứ. Có hôm xuất file 2-3 lần vẫn không xong vì rớt mạng lại gặp hai thằng nhóc giành giật đồ chơi khiến anh nổi cáu đét vào mông mỗi đứa một phát, tụi nhỏ khóc la càng làm anh bực.

Chị là giảng viên đại học nên vẫn có thể lên tiết, họp hành online nhưng nhiều lúc vừa dạy vừa phải ngắt ngang để phân xử hai đứa cãi cọ gây ồn. Căn hộ 55 m2 với 2 phòng ngủ  lúc nào cũng bừa bộn và ầm ĩ tiếng trẻ con. Vợ chồng đi ra đi vô đều nhìn thấy nhau nhưng thường xuyên là trong tình trạng nhăn nhó, khó chịu.

Dựng lại nếp nhà trong những ngày giãn cách

Ngày thường chỉ cần gửi tụi nhỏ xuống sân chung cư, anh ra quán cà phê để làm việc còn chị lên văn phòng khoa soạn bài là mọi thứ ổn thỏa. Nhưng trong lúc này đó là chuyện xa vời khi các lối ra vào chung cư đều đã giăng dây.

Mỗi chuyện hằng ngày phải lo cơm nướ 3 bữa cho cả nhà đã khiến chị đầu tắt mặt tối chưa kể giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Còn anh xong việc chỉ biết ôm điện thoại hoặc ti vi nên cư lời ra tiếng vào, rồi đâm ra mặt nặng mày nhẹ. Hết thời gian phong tỏa cũng là lúc cả nhà đều mệt mỏi và chán chường như thể vừa trải qua một cơn bạo bệnh.

Vậy mà đi làm lại chưa được 1 tuần, anh chị tôi lại tiếp tục quay về làm việc tại nhà vừa phải phân xử cho hai đứa nhóc do thành phố áp dụng giãn cách triệt để theo chỉ thị 16, chỉ được ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

Đâu là nguyên nhân?

Bên cạnh áp lực điều chỉnh thói quen chi tiêu, là những thử thách trong việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày khi trường học đóng cửa, trẻ chỉ quanh quẩn ở nhà. Nhiều phụ huynh cảm thấy bị quá tải vì vừa phải ở nhà làm việc online, vừa phải lo việc nhà, nấu nuớng và chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cùng với đó là hàng loạt những nỗi ám ảnh, lo sợ về dịch bệnh làm sao để bảo vệ mình và gia đình được an toàn… khiến nhiều người cảm thấy áp lực, căng thẳng cực độ.

Trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, cuộc sống hiện đại làm mỗi người luôn bận rộn với công việc bên ngoài. Họ gần như bỏ qua những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong mối quan hệ vợ chồng.

Lệnh phong tỏa, cách ly xã hội được thực hiện nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, khi phải đối diện với nhau 24/7 trong 4 bức tường ngột ngạt, mỗi người càng nhận ra  những thay đổi, khác biệt về lối sống, suy nghĩ của người kia.

Đó còn là nỗi lo sợ, ám ảnh bởi dịch bệnh, áp lực tài chính, việc nhà phân chia không công bằng, trách nhiệm đối với con trẻ và việc thiếu hụt không gian riêng tư đã trở thành giọt nước tràn ly khiến cho những bất đồng, mâu thuẫn lớn dẫn theo thời gian.

Nếu không có cách tích cực giải quyết, nhiều người chỉ biết giải tỏa căng thẳng bằng cách trút giận lên các thành viên khác trong gia đình.

Giãn cách xã hội là lúc giúp chúng ta biết cách sống chậm và tận hưởng cuộc sống; có thời gian để thảnh thơi, suy nghĩ lại những gì đã qua, hành trình đã đi để nhìn nhận thấu đáo và cả thêm những ý tưởng, kế hoạch rồi sắp xếp cho tương lai. Vậy tại sao không tận dụng và trân trọng điều giá trị nhất đối với mình, với những giây phút ở bên những người thân yêu trong gia đình.

Thay đổi để sống vui

Để thích ứng với dịch bệnh Covid-19, làm việc ở nhà có thể khiến cho nhiều người cảm giác bận hơn nhiều so với làm việc tại cơ quan. Bởi vừa phải tập trung vào công việc, vừa lo hướng dẫn con cái học hành lại phải làm công việc nhà, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa…

Tuy nhiên, chính khoảng thời gian đó cũng giúp cho các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau nhiều hơn, con cái hiểu thêm về công việc của bố mẹ; cha mẹ quan tâm, gần gũi con hơn; vợ chồng đặt mình vào địa vị của nhau và thông cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Mỗi người dường như có trách nhiệm hơn với tổ ấm của mình.

Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế đó là dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Việc phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 là trách nhiệm chung không của riêng ai.

Tuy nhiên ở góc nhìn khác, dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về với giá trị gia đình, sưởi ấm tình cảm gia đình thiêng liêng và có thời gian gần gũi với cha mẹ, con cái… Những việc vốn bình dị nhưng trong ngày thường bận rộn, không phải ai cũng có thể làm được.

Vẫn biết “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, tuy nhiên luôn có cách để mỗi người thu xếp lại bản thân, cuộc sống gia đình mình trong những ngày giãn cách. Cần hạn chế đọc những tin tức tiêu cực, độc hại về dịch bệnh và cùng nhau thiết kế thời gian biểu cho mỗi người trong gia đình để vượt qua những ngày dịch. Các thành viên trong gia đình cần bình tĩnh ngồi lại trao đổi với nhau bằng thái độ cảm thông và chia sẻ.

Nói cách khác, áp lực của dịch bệnh nhắc nhở cuộc sống ngắn ngủi cũng là lúc mỗi người nhìn nhận lại bản thân mình là ai, muốn gì trong cuộc sống và đánh giá lại con đường mà họ muốn dành cho nhau trong phần còn lại của cuộc đời.

Vì lẽ đó, đây là lúc mỗi người có thêm cơ hội để tự nhìn nhận lại bản thân, thu xếp lại lòng mình để thêm trân trọng những giá trị cốt lõi của cuộc sống, cùng sẻ chia yêu thương và gắn bó nhiều hơn với các thành viên trong gia đình mình.

Đây cũng là lúc mỗi gia đình bộc lộ ra những bất ổn cần được điều chỉnh, đổi thay để mỗi người được bình an và hạnh phúc hơn.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : nếp nhàngày giãn cáchsống chậm

Các tin liên quan đến bài viết