Việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết bởi quỹ này được xem như “hồ điều tiết”, nhằm chống việc tăng sốc giá xăng dầu trong nước khi giá dầu thế giới liên tục leo thang, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ khi có nhiều ý kiến đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá (QBOG) xăng dầu với lý do giá xăng dầu trong nước đã theo sát giá thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không nên lạm dụng QBOG xăng dầu mà cần nâng cao tính dự báo, có thêm công cụ để kềm giá bền vững hơn như tăng dự trữ, giảm thuế phí…
“Van” ngăn xăng, dầu tăng giá sốc
Tại kỳ điều hành ngày 12-4, giá xăng chỉ được điều chỉnh giảm gần 850 đồng/lít và giá dầu giảm hơn 700 đồng/lít, trong khi có thể giảm từ 1.000 đồng trở lên, nếu như cơ quan quản lý không trích lập vào QBOG xăng dầu ở mức cao. Cụ thể, xăng E5 RON 92 được trích lập 550 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 650 đồng/lít, dầu diesel ở mức 500 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 350 đồng/lít. Đây được xem là mức trích lập cao nhất kể từ đầu năm nay, dù giá xăng dầu trong nước vẫn đứng ở mức khá cao.
Trong khi đó, kể từ đầu năm nay việc điều chỉnh giá xăng dầu được áp dụng theo chu kỳ 10 ngày (ngày 1, 11 và 21 hằng tháng), diễn biến giá trong nước theo sát hơn với giá thế giới. Khi giá dầu thế giới có thời điểm vượt ngưỡng 130 USD/thùng, giá xăng dầu đã có 6 lần tăng liên tiếp trong 2 tháng đầu năm nay. Khi giá dầu thế giới về quanh ngưỡng 100 USD/thùng, cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1-4, giá xăng dầu cũng đã giảm liên tục trong 3 phiên điều hành gần đây.
Tuy nhiên, mức giảm không như kỳ vọng của người tiêu dùng, vì mức trích lập QBOG xăng dầu khá cao, với lý do được nhà điều hành giải thích là hầu hết các doanh nghiệp đều bị âm QBOG xăng dầu.
Trong thực tế, cả 6 kỳ tăng giá xăng dầu liên tiếp vào đầu năm 2022, cơ quan điều hành đã phải liên tục chi sử dụng quỹ, đi kèm với ngừng trích quỹ để “hãm” đà tăng giá. Trước đó, trong năm 2021 tại mỗi kỳ điều hành, QBOG xăng dầu đã chi liên tục với mức chi từ 100 – 2.000 đồng/lít/kg để giữ ổn định giá.
Số liệu của Bộ Công thương cũng cho biết việc chi liên tục và ngừng trích hoặc trích quỹ ở mức thấp (dưới 300 đồng) khiến cho QBOG xăng dầu bị âm quỹ, nhiều doanh nghiệp âm quỹ với mức lớn. Trong đó, Petrolimex âm 382 tỉ đồng (đến ngày
12-4), PVOil âm 1.095 tỉ đồng (tính đến 31-3)… Một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại phía Nam cho hay việc bị âm quỹ liên tục đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh, đặc biệt ở những thời điểm giá xăng dầu biến động khó lường và nguồn cung gặp khó khăn.
Theo vị này, dù QBOG xăng dầu bị âm nhưng doanh nghiệp vẫn buộc phải tiếp tục chi sử dụng liên tục trong nhiều phiên nhằm kềm đà tăng giá xăng dầu trong nước, khiến cho nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
“Với công ty chúng tôi, dù đã âm quỹ từ trước đó nhưng cũng không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng để bù đắp, bổ sung cho quỹ theo quy định nên càng xả quỹ càng “ăn vào vốn”, doanh nghiệp thêm khó khăn hơn”, vị này nói.
Không trích quỹ lấy gì bình ổn?
Một chuyên gia cho rằng về bản chất, nguồn tiền của QBOG xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc. Tuy nhiên, thực tế vừa qua lại cho thấy khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp phải “gồng mình” chi quỹ. Khi giá giảm, người tiêu dùng lại không được mua giá thấp ngay bởi vì cơ quan điều hành còn phải trích vào quỹ, bù đắp cho phần âm quỹ trước đó, chưa kể là có dư để còn chi cho những lúc giá dầu thế giới tăng cao.
TS Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng Viện kinh tế – tài chính (Học viện Tài chính), cũng cho rằng việc vận hành quỹ chỉ phát huy trong những thời điểm nhất định, nếu giá thế giới tăng “thẳng đứng” sẽ không có quỹ nào trợ giá mãi cho xăng dầu. Nếu không trích lập quỹ khi giá giảm, sẽ không có nguồn để vận hành. Nhưng việc trích lập vào quỹ sẽ khiến giá không giảm theo sát với thị trường, người tiêu dùng lại kêu. “Với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, cần tính toán vận hành quỹ cho phù hợp, đặc biệt lâu dài cần để giá xăng dầu vận động theo giá thế giới, có lên có xuống theo thị trường thay vì can thiệp quỹ”, ông Độ nói.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng xăng dầu thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước. “QBOG xăng dầu là cơ chế gắn với giá cơ sở để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước thông qua giá cơ sở, vẫn cần phải duy trì công cụ QBOG xăng dầu”, vị này cho hay.
Cũng theo vị này, trên cơ sở diễn biến chung của mặt bằng giá cả, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đột ngột, có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, cơ quan điều hành sẽ sử dụng linh hoạt QBOG xăng dầu này để ổn định giá xăng dầu hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng quá mạnh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.
“Nếu bỏ QBOG xăng dầu, cơ quan điều hành sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng”, vị này nói.
Ông Nguyễn Bích Lâm (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê):
Quỹ bình ổn đã phát huy tác dụng
Quỹ bình ổn là công cụ hữu hiệu của Chính phủ nhằm đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc, hài hòa được lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động tăng mạnh. Thực tế diễn biến giá thời gian qua cho thấy quỹ bình ổn đã phát huy giá trị, giúp Nhà nước điều tiết giá không tăng quá mạnh như giá thế giới.
Việc chi sử dụng quỹ liên tục khiến quỹ âm nên không thể tránh khỏi việc khi giá giảm phải trích vào để bù đắp, tạo nguồn cần thiết để khi tăng giá, chúng ta có quỹ để can thiệp hạn chế đà tăng. Nhiều dự báo rằng giá xăng có thể tăng cao hơn, nên cần điều hành quỹ sao cho linh hoạt với liều lượng phù hợp ở từng kỳ điều hành.
Tuy nhiên, việc dự báo tốt và nâng cao năng lực dự trữ năng lượng cung ứng xăng dầu sẽ là giải pháp hỗ trợ cho quỹ bình ổn xăng dầu vận hành hiệu quả.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế – tài chính):
Công cụ “chống sốc” tăng giá xăng dầu
Đầu năm 2022 giá tăng vọt, Chính phủ vẫn “xả” quỹ bình ổn để kềm giữ giá xăng dầu ở mức nhất định nên việc âm quỹ là tất yếu. Nhằm đề phòng giá xăng dầu tăng trở lại, thậm chí là tăng đột biến, việc trích quỹ là hợp lý, để làm cho quỹ được hồi phục, sử dụng khi cần thiết.
Có thể nói, quỹ bình ổn xăng dầu đang là công cụ điều tiết giá phù hợp, linh hoạt có thể áp dụng ngay ở các kỳ điều chỉnh giá, trở thành “van” hỗ trợ điều hành hữu hiệu. Vấn đề là sử dụng quỹ sao cho phù hợp, linh hoạt, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Quỹ chỉ có tác dụng ở những thời điểm nhất định, giúp Nhà nước điều tiết giá và “chống sốc” tăng giá cho người dân chứ không thể là công cụ làm thay mãi được.
Về lâu dài, khi có thị trường xăng dầu cạnh tranh, giá xăng dầu trong nước theo giá thị trường, có thể bỏ quỹ này đi và thay bằng công cụ khác như kho dự trữ lớn, khi cần điều tiết giá có thể can thiệp bằng kho dự trữ xăng dầu, sử dụng sắc thuế phù hợp để giảm giá…
Quỹ bình ổn kìm giá xăng dầu thế nào?
Trong 9 phiên điều hành giá từ đầu năm đến nay, theo Bộ Công thương, giá xăng dầu không tăng sốc là nhờ có QBOG xăng dầu. Chẳng hạn, tại kỳ điều hành ngày 1-3, khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, cơ quan điều hành không trích lập quỹ nhưng vẫn chi QBOG xăng dầu với các mặt hàng xăng E5 RON 92 và dầu diesel, tăng chi QBOG xăng dầu đối với xăng RON 95 để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này.
Theo đó, nếu không chi QBOG xăng dầu ở mức 250 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 sẽ tăng 795 đồng/lít, thay vì tăng 545 đồng/lít; xăng RON 95 có thể tăng thêm 767 đồng/lít thay vì mức công bố là 547 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel có thể tăng tới 809 đồng/lít, thay vì tăng 509 đồng/lít. Tại kỳ điều hành ngày 11-3, khi giá xăng dầu tăng ở mức kỷ lục, nhà điều hành đã xả mạnh QBOG xăng dầu, với xăng RON 95 là 1.000 đồng/lít và dầu diesel là 1.500 đồng/lít, giúp cho giá xăng không vượt trên 30.000 đồng/lít và giá dầu không vượt qua ngưỡng trên 26.500 đồng/lít.
Nguồn: tuoitre.vn