Hai ngày rưỡi thi THPT quốc gia đã kết thúc với ấn tượng về một kỳ thi quốc gia nhẹ nhàng, êm ả nhất trong nhiều năm qua.
Đừng để phụ huynh sợ 'những điều chỉnh hợp lý'
Thí sinh dự thi tổ hợp môn khoa học xã hội sáng 24-6 

Song nếu ngược lại chừng 9 tháng trước, khi Bộ 
GD-ĐT công bố phương án thi 2017, hẳn không ai quên được những can gián đủ kiểu dội về bộ, trước một kỳ thi mà “có vẻ như ngành giáo dục chưa sẵn sàng” khi thêm một môn thi mới là giáo dục công dân, chuyển nhiều môn vốn theo truyền thống thi tự luận sang thi trắc nghiệm, áp dụng bài thi tổ hợp, giao kỳ thi quốc gia về địa phương đảm trách…Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được coi là thành công ấy của kỳ thi, dư luận vẫn lo lắng khi chưa thấy tính ổn định, hay đúng hơn là một lộ trình thi cử dài hơi; để phụ huynh, thí sinh và cả nhà trường yên tâm lo chuyện đèn sách. Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi đánh dấu bước chuyển quan trọng 12 năm đèn sách của thí sinh. Vậy mà những kỳ thi trước và kỳ thi năm nay, học sinh cũng chỉ nhận được thông báo về một loạt thay đổi vài tháng trước khi thi. Ngay đến Viện Toán học – một viện nghiên cứu chuyên ngành – nghe tin chuyển thi môn toán sang hình thức trắc nghiệm còn bị “sốc”, phải kiến nghị chưa áp dụng ngay vì lo những hệ lụy lâu dài, thì nói gì đến học sinh…Còn nhớ năm 2015, năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh, phụ huynh đã bàng hoàng thế nào khi phương án “chuyển” đột ngột được đưa ra khi học sinh đã vào năm học mới. Để rồi, một kỳ thi “hai trong một” được trông đợi từ lâu để giảm áp lực cho xã hội lại lộ ra đủ bất cập, từ khâu tổ chức kỳ thi, công bố điểm thi đến đợt xét tuyển rắc rối “chưa từng có” trong lịch sử tuyển sinh ĐH, CĐ. Khó có thể tin rằng đề án một kỳ thi chung ấy đã được bộ chuẩn bị từ gần 10 năm trước, vậy mà khi bắt tay vào thực hiện thì mọi thứ vẫn như mới tinh. Một ngân hàng đề thi để ra các đề thi với những câu hỏi có nhiều “bậc” từ dễ đến trung bình, khó và rất khó gần như vẫn chỉ nằm trên… “ý tưởng”. Từng lập đề án từ trước mà đến Bộ GD-ĐT còn bị động như thế thì nói gì đến học sinh. Kỳ thi THPT quốc gia 2017 dành cho học sinh lớp 12 kết thúc, cũng là lúc những phụ huynh có con đang học lớp 10, lớp 11 âu lo: Năm sau, thi cử sẽ thế nào? Sự thấp thỏm dường như đã trở thành lẽ tự nhiên với những phụ huynh có con đang ở tuổi đến trường. Không lo sao được khi lộ trình đổi mới thi cử đã nhiều phen làm học sinh bất ngờ, thậm chí còn khiến chính Bộ GD-ĐT khi công bố những thay đổi thi cử cũng phải “né” hai chữ “đổi mới” để làm dịu dư luận. Không lo sao được khi năm nay là năm thứ 3 bộ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà các chuyên gia vẫn cho rằng đổi mới thi cử bộ vạch ra không nằm trên một chiến lược, thiếu tầm nhìn xa, nên năm thứ 3 lại phải vận hành nhiều quy trình khác xa với hai năm trước…Cũng mừng là trong báo cáo gửi Quốc hội kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tiễn, đồng bộ với quá trình đổi mới giáo dục phổ thông. Nhưng “những điều chỉnh hợp lý” trong hai năm tới là gì, khi đã quyết, bộ cần sớm công khai, đừng đẩy học sinh vào thế bị động, “được chăng hay chớ”. Chưa kể, sau lộ trình đổi mới kỳ thi quốc gia, diện mạo của thi cử từ năm 2020 ra sao hiện vẫn là một dấu hỏi lớn…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : kỳ thịphụ huynhthi THPT

Các tin liên quan đến bài viết