Các bác sĩ tham gia khám tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ cho biết phần lớn phụ nữ vùng ĐBSCL (khu vực nông thôn) chưa quan tâm đến khám tầm soát bệnh.
Nhiều chị em ngại khám, đến khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn trễ, việc điều trị rất tốn kém và hiệu quả không cao…
Các chuyên gia y tế đã đưa ra các giải pháp nhận biết bệnh.
Với ung thư vú, ở độ tuổi trên 40 phụ nữ nên khám tầm soát bằng nhũ ảnh mỗi năm một lần, hoặc 2 năm/ lần (tùy trường hợp). Một số trường hợp có đột biến gen, gia đình có tiền sử bệnh, bản thân có một số bệnh lý liên quan… cần đi khám để bác sĩ tư vấn tầm soát ung thư vú từ 30 tuổi (mỗi năm/lần) bằng nhũ ảnh và MRI
BS Võ Văn Kha
Bệnh tiến triển mới đi khám
Theo các chuyên gia y tế, ung thư vú và cổ tử cung là hai loại phổ biến hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam. Theo Bộ Y tế, ước tính mỗi năm cả nước có trên 11.000 ca mắc mới và khoảng 4.500 ca tử vong do ung thư vú. Ung thư cổ tử cung đứng thứ 2 với khoảng 5.100 ca mắc mới và 2.400 ca tử vong. Đa số người bệnh đến khám ung thư khi bệnh đã tiến triển, di căn nên tiên lượng thường xấu, thời gian sống trên 5 năm thấp.
Trong số 10.000 phụ nữ ở TP Cần Thơ được khám tầm soát, phát hiện đến 660 trường hợp có bất thường (nghi ngờ ung thư). Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu cho biết các trường hợp này sẽ tiếp tục được khám, xử trí và theo dõi sau tầm soát tại bệnh viện để cho kết quả chính xác.
Khi được hỏi những lý do nào khiến chị em phụ nữ chưa có thói quen khám, tầm soát bệnh ung thư thường gặp, các chị nói do nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn nghĩ rằng đã là bệnh ung thư rồi nếu có phát hiện cũng không điều trị khỏi. Có nhiều chị còn e ngại bệnh phụ nữ “khó nói”, có chị thì do hoàn cảnh ở vùng sâu vùng xa đi lại khó nên không tiếp cận được với các dịch vụ y tế hiện đại…
Chị N.T.T. (42 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) ngạc nhiên cho biết: “Nào giờ tôi không nghĩ rằng bệnh ung thư có thể phát hiện sớm và điều trị lành. Tôi cùng nhiều chị bạn hàng xóm vẫn cứ mang tư tưởng ung thư là bệnh nan y “trời kêu ai nấy dạ” nên đâu có đi khám hay kiểm tra gì, đến đây khám nghe các bác sĩ giải thích mới biết ở độ tuổi mình nên đi kiểm tra định kỳ, nếu có bệnh phát hiện sớm thì cơ hội điều trị tốt hơn”.
Có chị tâm sự rằng khi đi khám kiểu như khám phụ khoa thấy mắc cỡ, không muốn đi nhưng được gia đình động viên và chị em trong xóm rủ đi, lại được khám tầm soát miễn phí nên mới lấy can đảm đi.
Qua thăm khám và hỏi chuyện nhiều phụ nữ tuổi từ 40 trở lên tại buổi khám, các cán bộ y tế làm chương trình cho biết nhiều chị em chưa từng đi khám tầm soát hai loại ung thư phổ biến này lần nào.
Cần sớm thay đổi nhận thức
Thời gian gần đây tại nhiều địa phương trong cả nước, các dự án “Thúc đẩy kiểm soát ung thư tại Việt Nam” đang được nhiều bệnh viện và các tổ chức xã hội quan tâm, trong đó nổi bật là khám sàng lọc ung thư vú và cổ tử cung cho phụ nữ trong độ tuổi. Những hoạt động này đều nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư, tạo thói quen cho người dân chủ động khám sàng lọc định kỳ để phát hiện bệnh.
BS Võ Văn Kha – phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ – cho biết ung thư vú và cổ tử cung là hai loại thường gặp nhất ở phụ nữ, trong khi nếu phát hiện sớm bệnh ở giai đoạn đầu thì khả năng điều trị khỏi là trên 90%, phát hiện càng muộn thì khả năng càng giảm.
Các kỹ thuật sàng lọc ung thư cổ tử cung cũng đa dạng, có thể tùy điều kiện và khả năng của cơ sở y tế.
Hiện nay, có rất nhiều phương tiện để tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, tuy nhiên nhũ ảnh vẫn là phương tiện chính. MRI và siêu âm hỗ trợ nhũ ảnh trong nhiều trường hợp cần thiết. Ngoài ra kỹ thuật siêu âm tự động 3D cũng được xem như một phương pháp có hiệu quả trong tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú.
Với những phương tiện chẩn đoán hiện đại, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú và cổ tử cung hoàn toàn có thể làm được, hiệu quả điều trị rất cao. Vì vậy phụ nữ cần quan tâm kiểm tra sức khỏe, khám tầm soát các bệnh ung thư này để điều trị.
Nguồn: tuoitre.vn